Dịp Tết Nguyên đán, cơ bản hết người lang thang xin ăn

Cùng với việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, TPHCM cũng đang nỗ lực đưa người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào các trung tâm để chăm sóc. Nhiệm vụ này sẽ được đẩy mạnh từ ngày 28-12 khi quyết định về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn TPHCM có hiệu lực. Trao đổi về các vấn đề liên quan, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết:
Dịp Tết Nguyên đán, cơ bản hết người lang thang xin ăn

Cùng với việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, TPHCM cũng đang nỗ lực đưa người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào các trung tâm để chăm sóc. Nhiệm vụ này sẽ được đẩy mạnh từ ngày 28-12 khi quyết định về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn TPHCM có hiệu lực. Trao đổi về các vấn đề liên quan, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết:

Từ nay đến Tết Ất Mùi và những ngày lễ trọng đại năm 2015, TPHCM sẽ đưa người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM để lập hồ sơ phân loại, rà soát đối tượng và xử lý. Nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần thì đưa về Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội, nhằm hạn chế việc người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng làm ảnh hưởng đến hình ảnh TP, nhất là tại các quận nội thành như quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình.

Người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng tại TPHCM trong một lần được rà soát, tập trung về trụ sở phường.

* Phóng viên: Thưa ông, đối với những người giả bệnh lê lết trên đường, nơi công cộng xin ăn thì hướng xử lý ra sao?

* Ông TRẦN TRUNG DŨNG: Theo chủ trương của TP, người xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh, kẹo và các hành vi tương tự… đều bị xử lý. Tương tự, người sinh sống nơi công cộng như vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và các nơi công cộng khác cũng thuộc diện điều chỉnh theo quyết định của TP.

Người không có nơi cư trú nhất định là người không xác định được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú và thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định; người có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú nhưng không sinh sống tại đó mà thường xuyên đi lang thang, không có nơi ở cố định.

 

Khi phát hiện người lang thang xin ăn, hiện tượng chăn dắt ăn xin, người dân có thể báo tin về đường dây nóng của Sở LĐTB-XH (Phòng Bảo trợ xã hội) theo số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929 - ông Lê Chu Giang; Trung tâm Hỗ trợ xã hội theo số: 35.533258 (24/24 giờ).

 

Đối với những người giả bệnh để lang thang xin ăn, khi đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, sẽ được phân loại. Nếu người đó bị bệnh thật, trung tâm sẽ phối hợp với cơ sở y tế chăm sóc, chữa trị chu đáo; nếu bệnh giả, người đó sẽ được xử lý theo quy định chung đối với người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng.

* Sau khi đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, hướng xử lý tiếp theo sẽ như thế nào?

* Trung tâm Hỗ trợ xã hội là đơn vị tiếp nhận ban đầu. Đơn vị này sẽ quản lý đối tượng, lập hồ sơ phân loại và chuyển hồ sơ tiếp nhận ban đầu cho Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM để xem xét, ban hành quyết định theo thẩm quyền. Các bước thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày những người này được tập trung.

Với người ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội lần thứ nhất, nếu không xác minh được nơi cư trú, sẽ được tiếp nhận nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội của sở. Riêng với người bị tập trung vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội từ lần thứ 2 trở lên thì sẽ tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

* Người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng sẽ được chăm sóc bao lâu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội?

* Trong thời gian tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, người lang thang được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong quá trình ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, việc xác minh sẽ tiếp tục và sẽ giải quyết hồi gia ngay nếu kết quả xác minh cho thấy người đó có nơi cư trú nhất định. Thời gian tiếp nhận nuôi dưỡng tối đa không quá 3 tháng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

* Khi người lang thang xin ăn có tiền mặt và hiện vật thì tài sản của họ sẽ được giải quyết như thế nào?

* Tài sản của họ vẫn là của họ. Nếu họ có tiền bạc, kim loại quý (vàng, bạc, đá quý…), các tài sản có giá trị (như đồng hồ, điện thoại…), thì trung tâm sẽ làm biên bản giao nhận tài sản. Tiền bạc, tài sản được kiểm công khai, cụ thể rồi trung tâm sẽ giữ giùm người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Khi họ được bảo lãnh hồi gia hay chuyển sang Trung tâm Bảo trợ xã hội, trung tâm sẽ làm biên bản trả lại trực tiếp cho họ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận vừa chỉ đạo Ban Tôn giáo TPHCM làm việc và đề nghị các tổ chức tôn giáo (Thành hội Phật giáo, Tòa Tổng Giám mục TP…) phối hợp thực hiện chủ trương của TP về giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của TP: “không cho tiền người xin ăn”. Đề nghị Thành hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực trên địa bàn TP, tránh tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn (khất thực) lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tập trung người xin ăn trong khuôn viên đền, chùa, nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo.

Quyết định của TPHCM không áp dụng đối với tu sĩ khất thực có giấy chứng nhận của cơ quan Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thẩm quyền.

ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục