Đìu hiu cửa khẩu Bờ Y

Vắng lặng Bờ Y

Ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, được cho là có vị trí vàng, những năm gần đây, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) được đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng. Song sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến giờ, tại nơi này vẫn vắng bóng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vắng lặng Bờ Y

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế (KKTCKQT) Bờ Y được khởi công xây dựng vào năm 2003, với tổng diện tích gần 70.500ha, trong đó có đến 3 khu công nghiệp. Tuy vậy, đến KKTCKQT Bờ Y lúc này mới chỉ thấy một công trường bộn bề lo toan. Những công trình, dự án lớn đã triển khai để phục vụ sự phát triển của KKTCK rất ít, như: dự án đường N18, đường N5; dự án tái định cư làng Iệc, nhà máy cung cấp nước sạch, khu siêu thị... Còn lại, những phân khu chức năng như: Khu trung tâm hành chính, khu trung tâm thương mại và các khu công nghiệp... thì chỉ mới trên giấy. Dạo quanh khu kinh tế, chỉ thấy lác đác vài công trình xây dựng. Những khu đô thị vẫn là những núi trọc, đồi hoang; điểm xuyết vào bức tranh buồn này là những ngôi nhà tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số làng Iệc (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) không mang dấu ấn bản sắc dân tộc (Ca Dong). Trung tâm thương mại chính là phần hồn của KKTCK cũng chỉ có vài mặt hàng được lấy từ nơi khác về, họa hoằn mới có người mua sắm. Còn tại khu cửa khẩu, thi thoảng mới có vài người làm thủ tục xuất nhập cảnh, phương tiện cơ giới qua lại chủ yếu là xe chở lâm sản từ Lào về.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, đến thời điểm đầu tháng 5-2012, đã có gần 60 dự án đầu tư hạ tầng  KKTCKQT Bờ Y. Trong khi đó, mới chỉ có 8 doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây, với số vốn thực hiện hơn 100 tỷ đồng. Các dự án đã triển khai và cả các dự án đang đăng ký đầu tư đều là dự án nhỏ lẻ, ít vốn. Các dự án quy mô, công nghệ cao và dự án đầu tư nước ngoài vẫn chưa hiện diện tại đây.

Quá nhiều khó khăn

Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 8-2-2008) để tạo nên được một KKTCKQT đồ sộ nơi ngã ba Đông Dương là con số khổng lồ: gần 187.000 tỷ đồng. Thế nhưng, sau gần 10 năm xây dựng, đến nay, con số thực hiện chỉ mới 1.122 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 100 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Hảo, Trưởng BQLKKT tỉnh Kon Tum, thừa nhận: “Đến năm 2025, phát triển KKTCKQT Bờ Y thành đô thị loại II là điều không tưởng. Bên cạnh đó, chưa kể một số chỉ tiêu theo quy hoạch chung khu kinh tế đã phê duyệt nhưng không khả thi, một số chỉ tiêu không phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội”.

Vào thời điểm cuối năm 2011, một sự kiện làm nức lòng nhân dân trong tỉnh, đó là lần đầu tiên vùng cực Bắc Tây Nguyên này diễn ra hội nghị hợp tác đầu tư vùng tam giác phát triển và hành lang kinh tế Đông Tây. Lãnh đạo chính quyền 9 tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum (Việt Nam); Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan); Salavan, Sê Kông, Attapeu (Lào) ngồi lại với nhau, bàn về hướng đi cho một Bờ Y khởi sắc trong tương lai. Tuy nhiên, đối với khu kinh tế cửa khẩu mới hình thành ở địa phương vùng sâu, vùng xa này chưa thể khiến các nhà đầu tư mặn mà rót vốn.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục