DNNN được cấp băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Băng tần có thể được cấp cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 3 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chiều nay (9-11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐB) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐB, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan và thống nhất với Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Theo đó, trong quá trình thảo luận còn một số ý kiến còn khác nhau về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho DNNN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

DNNN được cấp băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ảnh 1 Theo UBTVQH, trong quá trình thảo luận còn một số ý kiến còn khác nhau về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện

Tiếp thu ý kiến, dự thảo đã được bổ sung yêu cầu “xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho DN” trong đề án. Như vậy, việc mở rộng phạm vi các tần số vô tuyến điện được phân bổ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (ngoài lượng tần số phân bổ riêng cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009) trong trường hợp này là phù hợp và thống nhất với chính sách ưu tiên sử dụng tần số phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009.

Đây chính là nội dung dự kiến trình Quốc hội biểu quyết riêng trước khi thông qua toàn văn dự luật. Theo đó, băng tần quy định tại Khoản 2 Điều này được cấp cho DNNN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 3 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lấy ý kiến Bộ TT-TT, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ TT-TT cấp phép.

Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho doanh nghiệp; xác định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép.

Trước khi giấy phép hết thời hạn 3 tháng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả việc sử dụng băng tần đã cấp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dừng hoặc tiếp tục thực hiện đề án không quá 12 năm làm cơ sở để Bộ TT-TT gia hạn giấy phép.

Một nội dung rất đáng lưu ý khác cũng đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐB liên quan đến việc phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại cho tần số và thiết bị vô tuyến điện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì Bộ TT-TT có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân phải ngừng sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho đến khi kết thúc tình huống quy định tại khoản này.

Tin cùng chuyên mục