Các địa phương miền Bắc đang phải gánh chịu đợt rét đậm, rét hại với cường độ mạnh nhất từ đầu mùa đông tới nay.
Không chỉ xuất hiện tuyết rơi, băng giá ở Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hay Đồng Văn (Hà Giang) mà mưa và rét buốt cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân ở tất cả các tỉnh thành, từ vùng cao cho tới đồng bằng. Trong đó đáng lo ngại nhất là cái rét “cắt da, cắt thịt” đang khiến cho rất nhiều người đổ bệnh...
Nhiều người già phải vào cấp cứu do thời tiết rét đậm gây ra. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Chiều cuối tuần, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn khá đông bệnh nhân. Trong Khoa khám bệnh, các dãy ghế đặt trước cửa những phòng khám hầu như không còn một chỗ trống. Ngồi thu lu cuối dãy hành lang, ôm đứa con nhỏ khóc ngặt nghẽo đang bọc kín trong chiếc chăn len, chị Hà (ở Sơn Tây, Hà Nội) lập cập nói: “Mấy hôm nay trời vừa mưa và lạnh, người lớn còn không chịu nổi thì làm sao trẻ nhỏ không ốm. Con em ho, sốt và quấy khóc suốt 2 đêm rồi!”. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mặc dù số bệnh nhi không tăng quá đột biến trong những ngày rét đậm, rét hại này nhưng vẫn có chiều hướng tăng, mỗi ngày có khoảng 2.000 trẻ tới bệnh viện khám, trong đó phần lớn là trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy do thời tiết giá lạnh gây ra.
Không chỉ trẻ em, thời tiết giá rét cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người lớn, nhất là những người cao tuổi. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người có tuổi mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh về hô hấp phải nhập viện cũng nhiều hơn. Chỉ riêng Viện Tim mạch quốc gia, trong những ngày giá rét có từ 400 - 450 bệnh nhân tới bệnh viện điều trị, với các bệnh liên quan đến huyết áp, tim, mạch vành, đau thắt ngực và đều ở mức độ nặng do thời tiết quá lạnh.
Rét đậm, rét hại không chỉ làm gia tăng bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội mà nhiều bệnh viện ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng trở nên quá tải do lượng bệnh nhân là trẻ em và người già tăng đột biến. Tại Bệnh viện Đa khoa số 1 tỉnh Lào Cai, chỉ trong 2 ngày cuối tuần đã có trên 300 trường hợp cấp cứu phải nhập viện do giá rét gây ra. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, số bệnh nhân là người già và trẻ nhỏ cũng tăng gấp đôi so với trước, chủ yếu là bị cảm lạnh, viêm phổi, sốt cao, sốt virus và tiêu chảy
Số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều bệnh viện, tại một số khoa phòng như hô hấp, nhi, tiêu chảy đã phải nằm ghép 2 - 3 bệnh nhân/giường. Một số bệnh viện như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Lão khoa đã tăng cường thêm máy sưởi tại các buồng bệnh, nơi khám bệnh và hệ thống nước ấm cho người bệnh dùng. Tại các bệnh viện lớn khác ở Hà Nội, hệ thống máy sưởi, điều hòa nóng và nước nóng cũng hoạt động hết công suất. Trong khi đó, tại các bệnh viện ở miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu nên các bệnh viện cũng chỉ có thể tăng cường thêm chăn ấm, lắp thêm đèn sưởi trong phòng điều trị để giúp bệnh nhân đỡ rét hơn.
Theo dự báo, trong tháng 1 và 2-2015, các tỉnh miền Bắc còn phải gánh chịu từ 2 - 3 đợt rét đậm, rét hại nữa. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh thường gặp do thời tiết giá lạnh gây ra, người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất tới việc giữ gìn sức khỏe.
Đối với người cao tuổi, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày giá lạnh nên chú ý giữ ấm cổ, chân, khi đi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang. Những người có bệnh mãn tính phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp hàng ngày, chú ý luôn giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh đột ngột. Đặc biệt, uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít/ngày để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ.
MINH KHANG