Đỗ Phấn vừa vẽ vừa viết

Đỗ Phấn vừa vẽ vừa viết

Nếu nói Đỗ Phấn là người nổi bật nhất xét trên khía cạnh vừa vẽ, vừa viết trong giới văn nghệ cũng thấy không ngoa chút nào.

Thực tế, số người từ viết chuyển sang vẽ đông hơn. Có thể kể đến Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Phục, Đỗ Trung Lai… Còn những người từ vẽ chuyển sang viết ít hơn, tất nhiên, thành công hơn cả là Đỗ Phấn.

Họa sĩ Đỗ Phấn

Người thầy dạy vẽ đầu tiên của Đỗ Phấn họa sĩ chính là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Bài học đầu tiên về hội họa là vào một ngày của năm 1963 mà đến nay, họa sĩ Đỗ Phấn còn nhớ như in: “Ông Nghiêm lấy ra một tờ giấy trắng không dòng kẻ trải xuống nền nhà. Ông lại tìm trên nóc tủ pho tượng bán thân Tề Bạch Thạch đổ thạch cao chỉ nhỏ bằng quả ổi đưa cho tôi cùng một mẩu bút chì ngắn như điếu thuốc lá. Nụ cười hồn hậu, ông hướng dẫn tôi cách cầm mẩu bút chì bằng cả bàn tay như cầm chiếc que phác những nét đầu tiên.

Loay hoay hơn một giờ đồng hồ tôi cũng vẽ và đánh bóng xong Tề Bạch Thạch. Dĩ nhiên giống quả ổi có râu. Bố tôi đỏ mặt tía tai vì ngượng, cứ như chính ông là tác giả bức vẽ chứ không phải tôi. Ông Nghiêm ôn tồn chậm rãi nói, trẻ con bảy tám tuổi đứa nào cũng có năng khiếu hội họa cả. Cái người lớn cần quan tâm là nuôi dưỡng năng khiếu và lòng ham mê ấy. Ông cứ cho cháu vẽ tùy thích ở nhà rồi mang đến đây tôi xem! Bố tôi thở phào nhẹ nhõm. Và cứ thế đều đặn vài tuần một lần”.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1980, họa sĩ Đỗ Phấn tham gia giảng dạy tại Đại học Xây dựng Hà Nội 10 năm rồi ông xin ra khỏi biên chế, bắt đầu con đường sống bằng vẽ. Họa sĩ Đỗ Sơn nói, thời điểm 1990, Đỗ Phấn là một trong số ít họa sĩ bộc lộ rõ sự tìm tòi, bứt phá, vượt lên chính mình. Khoảng thời gian đó, Đỗ Phấn cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên tự triển lãm cá nhân. Đến giờ, họa sĩ Chu Hùng Sơn, bạn thân ông, còn nhớ rõ cảnh ông thuê xích lô, về tận Hà Tây, thuê thợ mộc đóng khung tranh vì khi ấy khung ở Hà Nội rất hiếm và đắt. “Triển lãm bày ra thì vài ngày đầu khách nước ngoài đã mua gần hết tranh, họ muốn lấy luôn nên họ bưng đi đến đâu Đỗ Phấn lại phải vẽ tiếp, bày lấp lên tường nhà triển lãm”, họa sĩ Chu Hùng Sơn kể lại.

Bốn mươi năm cầm cọ, hội họa của Đỗ Phấn luôn là những hòa sắc rực rỡ, bút pháp khoáng đạt. Ông cũng là họa sĩ vẽ nhiều đề tài, sức sáng tạo của ông là điều không phải bàn cãi, chỉ riêng việc hàng chục năm qua, mỗi năm vẽ đều đặn chừng 60 tranh con giáp không bán, chỉ để tặng bạn bè… đã cho thấy rõ điều này.

Một tác phẩm của họa sĩ Đỗ Phấn

Sự xuất hiện song hành sang văn chương của họa sĩ Đỗ Phấn cũng ngay lập tức gây ấn tượng. Đọc những truyện ngắn đầu tiên của ông, nhà văn Đỗ Chu đã quả quyết: “Đỗ Phấn là một nhà văn!”. Cũng nhà văn Đỗ Chu trong một đêm 30 Tết, ngồi trước cành mai đẹp,  ngẫm ngợi rằng, nếu tự ông tổ chức một cuộc thi ngay trong đêm giao thừa, gọi là cuộc thi “cành mai ở thế tà” để trao giải cho một cuốn sách hay nhất trong năm thì sẽ trao cho cuốn sách nào? Rồi ông thốt lên, xứng đáng hơn cả chỉ có thể là Đỗ Phấn với tập truyện ngắn Kiến đi đằng kiến. Hơn chục năm nay, gần như năm nào nhà văn Đỗ Phấn cũng có sách in, có năm đôi ba cuốn, đủ cả tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn. Chỉ riêng về số lượng cũng đã khiến những nhà văn chuyên nghiệp cảm phục. Văn chương của ông đề cập nhiều đến đời sống đô thị thời mở cửa với đủ những khoảng sáng tối đan xen. Đó là việc làm ăn, sự ăn chơi, cách hành xử… của đủ loại người với sự quan sát kỹ lưỡng, giọng văn hóm hỉnh.

Ngoài đời, mọi người hay gặp một người đàn ông cao dong dỏng, râu dài, miệng rộng,  đôi mắt sáng luôn mang kính tròn, thoạt trông hơi khó gần.  Gặp ông dễ hơn nhiều qua minh họa, truyện ngắn, tản văn đăng đều đặn trên các tờ báo lớn. Lẽ tất nhiên ở cả những triển lãm tranh, trên những quầy sách.

KHÔI NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục