Các lĩnh vực then chốt xây dựng ĐTTM gồm: Chính quyền thông minh, giáo dục thông minh, công dân thông minh, dữ liệu mở, công nghệ thông tin, môi trường thông minh, giao thông thông minh, kinh tế thông minh, sức khoẻ thông minh và năng lượng thông minh.
Đô thị thông minh - Tư duy toàn cầu
Tại Châu Âu, hơn 300 thành phố đang triển khai ĐTTM. Trong đó, việc đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống và sự hợp tác của các bên liên quan là thử thách lớn. Với 08 năm liền là ĐTTM dẫn đầu trên thế giới (IESE Cities in Motion Index), thủ đô Amsterdam (Hà Lan) tập trung phát triển hệ thống dữ liệu mở nhằm tăng mức truy cập và sự tham gia đóng góp từ cộng đồng.
Tại Châu Á, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) nằm trong top 10 thành phố thông minh trên thế giới năm 2018 (theo IESE). Trong đó, Tokyo lựa chọn phát triển “Tech-savvy Smart Metropolis” nói không với khí thải carbon, hướng đến môi trường xanh, phát triển giao thông công cộng và dịch vụ thuận tiện hơn cho cư dân. Seoul tập trung vào công nghệ thông minh trong giao thông và sức khỏe.
Trong khi đó, TS. Passakon Prathombutr - Cơ quan xúc tiến Kinh tế số Thái Lan cho rằng: “Là một quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch, chúng tôi mong muốn các dự án thành phố thông minh có thể cung cấp một hệ sinh thái đồng nhất để thúc đẩy phát triển cả 02 lĩnh vực này. Điều này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước”.
Có thể nói, ĐTTM ở các thành phố được coi là thành công trên thế giới hiện nay đều bắt nguồn từ việc lựa chọn những vấn đề đô thị phù hợp với từng địa phương và ưu tiên giải quyết trong thời gian nhất định với sự phối hợp các bên liên quan.
Đô thị thông minh tại Việt Nam - Sự cần thiết của những hành động địa phương
Theo TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Đi cùng xu hướng thế giới, hơn 10 đề án ĐTTM được hoạch định, triển khai gần đây gồm: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Đà Nẵng đã bắt đầu ý tưởng về Trung tâm Điều hành thông minh nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước và hạ tầng giao thông.
TPHCM và Hà Nội đã bắt tay vào dự án với những ý tưởng số hóa, trang bị wifi công cộng, những ứng dụng thành phố thông minh (smart city apps) giúp kiểm soát tình hình dịch bệnh cấp thiết vừa qua. Sắp tới, Hà Nội cùng tập đoàn Dell Global B.V sẽ xây dựng chính quyền điện tử.
Có thể nói, mô hình ĐTTM đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc lựa chọn phát triển ĐTTM theo lĩnh vực như Thái Lan hay đi vào từng vấn đề đô thị để giải quyết trên quan điểm tích hợp như Amsterdam…
Chúng ta thuê các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển và xây dựng ĐTTM, hoặc tập trung phát triển công nghệ, hay thông qua các đơn vị giáo dục, nghiên cứu, tư vấn đa ngành có mạng lưới cộng tác trong và ngoài nước mạnh để hỗ trợ và xây dựng các đề án ĐTTM tích hợp nhằm giải quyết vấn đề trong từng đô thị tùy mức độ, ngân sách và chính sách phát triển.
Viện Đô thị thông minh và quản lý (ISCM), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ra đời nhằm mục đích kết nối các trường đại học, đơn vị quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước - quốc tế và cộng đồng cùng chung tay nghiên cứu, đề xuất các chiến lược thông minh và giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề đô thị, giúp phát triển một nền giáo dục tốt hơn vì một Việt Nam phát triển bền vững. |