Ngày 23-4, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đến làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình và các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; các đồng chí Thường trực Thành ủy, các phó chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các ban ngành, doanh nghiệp tại TPHCM.
Thiếu vốn, vướng cơ chế
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM Trần Quốc Tuấn cho biết, tình hình nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao tạo nên áp lực cho doanh nghiệp. Trong khi đó, từ cuối năm 2011 giá đầu ra xuất khẩu liên tục tăng, còn thị trường châu Âu và Mỹ gặp nhiều biến động, khó khăn, dẫn đến các doanh nghiệp không dám ký thêm đơn hàng. Bởi với diễn biến thị trường hiện nay, xăng dầu tiếp tục tăng giá sẽ tác động dây chuyền đẩy hàng loạt mặt hàng tăng lên dẫn đến cạnh tranh rất khó khăn, đặc biệt trong xuất khẩu.
Mặt khác, với lãi suất như hiện nay dù đã có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn chưa đáng kể, chưa đủ liều để các doanh nghiệp chịu được. Từ đó, dẫn đến nợ xấu của doanh nghiệp ngày càng cao, trong đó có nguyên nhân từ phía các ngân hàng. Do đó, ông Tuấn kiến nghị, nên chăng Chính phủ cần giãn hoặc nghiên cứu mua lại khoản nợ xấu này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, trong khoảng thời gian hợp lý khi doanh nghiệp phát triển sẽ thu hồi lại.
Tương tự, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội tham dự hội nghị cho rằng, mức lãi suất cho vay thực tế hiện vẫn ở mức quá cao, dao động 17% - 21%, nhưng lại rất khó tiếp cận do ngân hàng đưa ra điều kiện khắt khe, trong khi cơ sở vật chất, lập hồ sơ dự án vay của doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ nên không thể đáp ứng. Các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT để có thời gian chuyên tâm sản xuất.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TPHCM Đỗ Phước Tống cho rằng, ngoài vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn, một số chính sách bất cập đã dẫn đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị kìm hãm. Đơn cử, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hiện sản phẩm trong nước đã sản xuất được và tốt hơn hàng Trung Quốc, nhưng phải nhập một số phụ tùng đặc chủng và bị đánh thuế từ 3% - 25%, chưa kể cộng thêm thuế VAT 10%.
Trong khi đó, cùng chủng loại sản phẩm cơ khí chế tạo, thậm chí chất lượng kém hơn, nhưng Trung Quốc lại được áp thuế nhập khẩu 0%. Điều này dẫn đến sản phẩm cơ khí sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có giá thấp hơn nhiều so với sản xuất tại Việt Nam. Cũng do vướng chính sách, mà có một nghịch lý đang xảy ra tại các tổng công ty nhà nước, là hiện đang “thừa” vốn nhưng không thể cứu các doanh nghiệp khác đang khát vốn.
Kiến nghị giảm lãi suất cho vay xuống 14% - 15%
Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, UBND TPHCM cho biết, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn quý 1 đạt 99.384 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng GDP thấp so với các năm qua. Đáng chú ý, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng gia tăng, tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải.
Về tài chính, tín dụng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn có xu hướng tăng, đặc biệt liên quan đến tín dụng bất động sản. Việc thu hồi và xử lý nợ trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài hết sức khó khăn, từ đó dẫn đến hiện tượng thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn. Do đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng khơi thông nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế và hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Đối với vấn đề lãi suất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lãi vay, đảm bảo thực hiện nghiêm lãi suất trần quy định 12%/năm. Chỉ đạo cụ thể nhằm giảm lãi suất cho vay ở mức 14% - 15% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thị trường, đầu ra tốt; các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn.
Ngoài ra, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó lưu ý việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký giấy chứng nhận đầu tư. Sớm ban hành các quy định về bãi bỏ thời gian áp dụng cho việc đăng ký lại đối với tất cả doanh nghiệp. Về ghi nhận giá trị đầu tư bằng ngoại tệ của tổng vốn đầu tư, vốn điều lệ doanh nghiệp theo nội dung đầu tư nước ngoài đã đăng ký Giấy chứng nhận đầu tư.
Mặt khác, tăng cường tính chủ động trong việc cấp giấy phép đầu tư cho thành phố với những nội dung đã hỏi ý kiến, nếu sau thời gian quy định mà cơ quan được hỏi không có ý kiến bằng văn bản.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, cơ bản thống nhất các đề xuất, kiến nghị của thành phố, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tư tưởng chủ đạo và mục tiêu chung hiện nay của Chính phủ cũng như kết luận của Trung ương là vẫn ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tái cấu trúc nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó, chủ trương chung là sẽ không nới lỏng các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, nhưng Chính phủ sẽ điều hành linh hoạt; tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát.
Đối với một số kiến nghị cụ thể, Chính phủ đồng ý cho ngân hàng nới lỏng lãi suất đối với thị trường bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tăng trưởng. Không còn coi bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất bị hạn chế cho vay. Nghiên cứu cho lộ trình nộp thuế của các doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chắc chắn sẽ xuất hiện những mặt trái, khó khăn cụ thể tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp. Biểu hiện khá rõ nét thông qua tình hình sản xuất công nghiệp, xây dựng…; tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 4%, thu ngân sách giảm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, qua ý kiến của các chuyên gia, tình hình kinh tế đang có dấu hiệu tốt hơn quý 4-2011. Trước tình hình này, TPHCM cần tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; có thể phân nhóm, phân loại cụ thể từng nhóm ngành để có hướng phát triển tốt và bền vững.
Lạc Phong