Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ghi nhận các ý kiến về quản lý thị trường vàng và “sức khỏe” doanh nghiệp

Ngày 7-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã nghe các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, các chuyên gia đã mổ xẻ một số vấn đề trong việc quản lý thị trường vàng và tình hình sản xuất kinh doanh tại TPHCM.

Ngày 7-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã nghe các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, các chuyên gia đã mổ xẻ một số vấn đề trong việc quản lý thị trường vàng và tình hình sản xuất kinh doanh tại TPHCM.

Đa số các đại biểu cho rằng, chính sự độc quyền vàng miếng của NHNN đã làm cho sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết quan điểm của Chính phủ là không khuyến khích dân mua vàng cũng như tích trữ và đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế người dân Việt Nam luôn có thói quen trữ vàng vì coi vàng là nơi trú ẩn an toàn. TS Trần Du Lịch cũng băn khoăn về việc liệu NHNN lấy ngoại tệ nhập vàng để phục vụ nhu cầu cất trữ của người dân thì có phải là hướng đi đúng? “Việc NHNN bán vàng ra thị trường hiện nay là vàng hóa chứ không phải chống vàng hóa nữa. Hiện NHNN đã bán ra 14 tấn vàng và không biết cần phải đưa ra bao nhiêu tấn vàng nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu? Vấn đề đại sự là nếu cứ tiếp tục bán vàng ra thì ngoại hối đâu để nhập vàng tiếp?” - TS Trần Du Lịch đặt vấn đề.

TS Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đề xuất giải pháp: Để kéo giảm mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, NHNN nên ngưng chuyện bán độc quyền vàng SJC và lập sàn vàng quốc gia để tăng mức cung cho thị trường, xóa bỏ chênh lệch giá vàng. NHNN sẽ đóng vai trò điều tiết sàn vàng thay vì giữ vai trò độc quyền như hiện nay và Chính phủ có thể thu thuế.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng thị trường vàng không thể dùng biện pháp hành chính mà quản lý được.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM dẫn lời của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Phó Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời tại cuộc họp báo trong tháng 4 vừa qua: NHNN Việt Nam khẳng định đấu thầu vàng là đúng quy định pháp luật. Chuyện NHNN bán vàng cho NHTM thực hiện tất toán trạng thái vàng có thể bán trực tiếp nhưng được sự cho phép của Chính phủ, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng có sự tham gia của các NH, DN, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Kết quả đấu thầu được lãnh đạo NHNN Việt Nam đánh giá có tác động tích cực cho thị trường vàng.

* Cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội cũng nghe ý kiến của các DN trên địa bàn TP về tình hình sản xuất, kinh doanh về việc vay vốn tín dụng ngân hàng, các DN đều cho rằng còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản vẫn đóng băng, thị trường chứng khoán ì ạch, các tiếp cận vốn của DN để sản xuất kinh doanh còn trì trệ. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM cho biết hiện nay nhiều DN đứng bên bờ vực. “Đừng đánh đồng số lượng DN giải thể và DN thành lập mới vì việc này phản ánh một hiện tượng nguy cơ hơn là các DN đang làm ăn được cũng ngày càng yếu đi” - ông Hưng cảnh báo.

Đồng tình với ông Hưng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Huỳnh Văn Minh cho rằng, sự ra đời của các DN mới không hoàn toàn mới. Thực tế một số DN ngừng hoạt động do không có khả năng trả nợ ngân hàng, bỏ cả thế chấp rồi thành lập DN mới. “Nên nhìn rõ thực chất của các DN phá sản và các DN mới thành lập” - ông Minh nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa cho biết tín hiệu trong 2013 chưa gì sáng sủa nên hiện các DN trong ngành, chủ yếu là DN vừa và nhỏ chỉ sử dụng chính đồng vốn của họ để kinh doanh, nhiều DN hiện đang thu hẹp sản xuất, sử dụng lao động hạn chế và tạo ra những sản phẩm rẻ tiền, dễ bán, hàm lượng chất xám không cao. “Với tâm lý không yên tâm nên các DN chỉ sản xuất những mặt hàng dễ bán thu được tiền ngay mặc dù đó là những sản phẩm 1 người mua nhưng đến 5 - 6 người bán” - ông Việt Anh phản ánh.

Các DN cho rằng lãi suất hiện nay không phải vấn đề lớn vì các DN không có nhu cầu vay vốn trong tình hình hàng tồn kho vẫn rất lớn, sức mua thị trường yếu. Khó khăn lớn nữa hiện nay của DN là chịu nhiều phí, phí chồng phí nên giá thành sản phẩm đưa ra thị trường không cạnh tranh được với các DN FDI. Nghị quyết 02 của Chính phủ đề ra phương hướng giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường xác đáng nhưng triển khai quá chậm. Các DN cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ các DN tốt để các DN này tiếp tục kinh doanh, phát triển chứ đừng để các DN này yếu đi.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, Trưởng đoàn đại biểu Quốc Huỳnh Thành Lập cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu để phản ánh trước nghị trường Quốc hội, sau đó sẽ phản hồi cho DN. 

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục