Đoàn kết dân tộc để diệt IS

Trong cuộc chiến chống phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mỹ nổi lên là quốc gia mạnh tay nhất.

Trong cuộc chiến chống phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mỹ nổi lên là quốc gia mạnh tay nhất.

Tuy nhiên, cái khó của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama là vấp phải sự phản đối của dư luận về việc can thiệp vào Iraq và Syria nhân danh cuộc chiến đẩy lùi IS. CS Monitor có bài Thắng lợi đầu tiên của ông Obama trong cuộc chiến ở Iraq. Lần đầu tiên, Mỹ gây áp lực để chính quyền Iraq do dòng Hồi giáo Shiite lãnh đạo chấp thuận chia sẻ quyền lực với dòng Hồi giáo Sunni, tiến tới sự đoàn kết hiếm hoi trong nỗ lực chống lại IS.

Quốc hội Iraq vừa phê chuẩn cho ông Khaled al-Obaidi thuộc khối Itihad Al-Quwa al-Wataniyah Sunni Ảrập vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Iraq với số phiếu ủng hộ 197 phiếu. Trong khi đó, ông Mohammed al-Ghabban thuộc khối Shiite Badr được bầu làm Bộ trưởng Nội vụ. Việc bầu chọn hai vị trí quan trọng trong chính quyền Iraq đã nhận được sự nhất trí cao của các thành viên trong Quốc hội Iraq, vốn phần lớn là người theo dòng Shiite. Từ khi Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq hơn 10 năm trước đến nay, đây được xem là thành công có tính quyết định. Nó không xuất phát từ những hành động quân sự mà đến từ ý thức đoàn kết dân tộc mà người dân Iraq mong đợi đã lâu.

Chính quyền Washington hiểu rõ được rằng dù một phần người dân và cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc chiến trên không thì hầu hết đều không đồng ý kéo dài quá lâu các chiến dịch chống IS và lan sang cuộc chiến trên bộ. Trước đây, thất bại của Mỹ trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố al-Qaeda ở Iraq đã gây chia rẽ trong chính quyền Mỹ. Không những thế, cuộc chiến ấy còn khiến nội bộ Iraq chia rẽ, tạo điều kiện cho al-Qaeda có cơ hội hồi sinh. Vì thế, điều mà chính quyền Tổng thống Obama đề lên hàng đầu không phải là cuộc đối đầu trực diện chống IS mà thay vào đó là sự tác động trên nhiều phương diện. Trước tiên là kêu gọi sự ủng hộ của LHQ và quan trọng hơn cả là kêu gọi sự thống nhất của những người theo các dòng Hồi giáo Shiite và Sunni cùng vì lợi ích chung của cộng đồng để đẩy lùi nỗi ám ảnh IS. Mỹ và các đối tác quân sự của mình đều hiểu được rằng cuộc chiến chống IS ở Iraq là vô ích nếu một phần cộng đồng người Sunni tiếp tục ủng hộ IS. Tháng 6 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với 3 nhà lãnh đạo Iraq, thúc giục họ đoàn kết để chống lại các mối đe dọa từ IS. Ông Biden thuyết phục riêng từng người gồm Thủ tướng Nouri al-Maliki, Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi và Tổng thống Iraq Kurdistan Massoud Barzani. Ông Biden nhấn mạnh rằng Iraq càng đạt được tiến triển trong việc xây dựng đoàn kết thì IS càng dễ bị xóa sổ vì chúng sẽ khó tìm được sự yểm trợ từ những phe phái khác. Sự đoàn kết của người Iraq còn quan trọng hơn cả những cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu vào quốc gia Trung Đông này.

Trong lễ tưởng niệm nhà hoạt động nhân đạo người Anh David Haines bị IS chặt đầu được tổ chức cuối tuần qua, đại diện gia đình David Haines và Alan Henning (một nhân viên hỗ trợ nhân đạo người Anh cũng bị IS giết) đã kêu gọi cộng đồng đoàn kết chống IS. Họ lên án bất cứ thế lực nào đã gieo rắc những tư tưởng chống đối thế giới Hồi giáo và buộc trách nhiệm khủng bố lên họ. Điều chúng ta cần hiện nay là cách đối phó với IS, cụ thể là IS chứ không phải đối phó với thế giới Hồi giáo.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục