Sau nhiều vòng đàm phán, ngày 6-2, đại diện 2 lực lượng Fatah và Hamas đã đồng ý thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực và đồng ý chọn Tổng thống Mamoud Abbas làm người đứng đầu chính phủ lâm thời trong lúc chờ tổng tuyển cử bầu quốc hội và tổng thống vào tháng 5 tới.
Thỏa thuận mang tên “tuyên bố Dohar”, đạt được tại Dohar, Qatar, là bước cụ thể hóa cho thỏa thuận sơ bộ đạt được hồi tháng 4-2011. Một chính phủ sẽ được công bố vào ngày 18-2. Cả Fatah và Hamas đều hoan nghênh thỏa thuận này, mở ra cơ hội đoàn kết, tăng thêm sức mạnh cho chính quyền Palestine trong tiến trình thành lập nhà nước đầy gian truân.
Nhìn lại thời Tổng thống Yasser Arafat, Chính phủ Palestine đạt được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng cũng chính là nhờ uy tín cá nhân của Tổng thống Arafat. Ông đã tập hợp được sức mạnh của các phái chính trị khác nhau vì mục tiêu chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Palestine.
Sau khi Tổng thống Arafat từ trần, một khoảng trống quyền lực để lại và Tổng thống Mamoud Abbas đã rất vất vả tìm tiếng nói chung để duy trì sự đoàn kết trong nội bộ các đảng phái chính trị của Palestine. Israel đã biết cách gây sức ép buộc Tổng thống Abbas chọn lựa giữa Hamas hay đàm phán với Israel. Kết quả, mặc dù giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 1-2006 dẫn đến việc thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia vào tháng 3-2007 do ông Ismail Haniya của Hamas làm thủ tướng nhưng do sức ép từ bên ngoài, lực lượng Hamas vẫn không được giao quyền và dẫn đến việc Hamas kiểm soát toàn quyền Dải Gaza, tuyên bố rút khỏi chính phủ đoàn kết. Từ đó Hamas và Fatah mỗi bên chia nhau cầm quyền ở Bờ Tây và Dải Gaza. Thế nhưng kể từ khi Fatah và Hamas “chia tay”, tiến trình hòa bình với Israel vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí Israel còn lấn chiếm thêm nhiều đất đai của Palestine.
Việc tái hợp chính phủ liên hiệp lần này giữa Fatah và Hamas vẫn tiếp tục bị Israel phản đối và họ lập lại tuyên bố rằng ông Abbas sẽ phải lựa chọn giữa Hamas và đàm phán với Israel. Israel và nhiều nước phương Tây liệt Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố nên không thể chấp nhận thành phần này trong Chính phủ Palestine. Về phía Mỹ, lần này, mặc dù không đề cập trực tiếp tới Hamas song họ nhắc lại quan điểm của nhóm bộ tứ bàn về Trung Đông (gồm Mỹ, Nga, LHQ và EU) thông qua tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vitoria Nuland: “Bất kể chính phủ nào của Palestine đều phải cam kết từ bỏ bạo động, công nhận Nhà nước Israel và tôn trọng các thỏa thuận đạt được trước đây giữa Palestine và Israel”.
Điều chắc chắn là Hamas không bao giờ từ bỏ cách thức đấu tranh vũ trang với Israel và cũng sẽ không công nhận nhà nước này. Như vậy, một khi chính phủ hòa hợp của Palestine được thành lập, tiến trình hòa bình Israel - Palestine có thể càng bế tắc hơn dưới sức ép của Mỹ và Israel.
Điều khác biệt hơn có chăng là lần này, Palestine đang có vị thế khá hơn trên thế giới sau khi được UNESCO kết nạp làm thành viên chính thức và Palestine cũng đã đệ đơn lên LHQ để gia nhập làm thành viên đầy đủ của tổ chức này. Hơn thế nữa, chính phủ hòa hợp của Palestine sắp tới được thành lập trong bối cảnh thế giới Ảrập đã có nhiều thay đổi sau “Mùa xuân Ảrập”, theo đó lực lượng Hồi giáo tại nhiều nước đã lên cầm quyền. Đó là lý do vì sao Tổng thống Palestine Abbas tuyên bố sau khi đạt thỏa thuận với Hamas như trích dẫn của AFP: “Hòa hợp là lợi ích không chỉ của người Palestine mà của cả thế giới Ảrập”.
Các quan chức Palestine còn cho rằng đây sẽ là sức mạnh thống nhất để giúp Palestine sẵn sàng cho một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem. Ông Hanan Ashrawi, thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, thường cho rằng Palestine không thể tuyên bố độc lập khi còn bị chia rẽ. Vì thế kết quả này sẽ giúp xóa bỏ định kiến đó.
KHÁNH MINH