Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng như hiện nay, có hàng loạt các công ty, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất có quy mô từ nhỏ đến lớn được thành lập hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thế nhưng, đi kèm với sự phát triển kinh tế đó là những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường sống của cộng đồng. Điều đáng nói, sự ảnh hưởng này đã khá rõ nét trong bối cảnh hiện nay.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, toàn thành phố hiện có 3.300 nguồn thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Rất nhiều nguồn thải phát sinh từ đơn vị sản xuất, kinh doanh không được thu gom và xử lý đúng quy trình trước khi thải ra môi trường. Khảo sát thực tế cho thấy, trong môi trường đang tồn tại lượng lớn khí thải NOx, NO2, CO vượt tiêu chuẩn cho phép. Lượng khí thải này phát sinh chủ yếu từ các phương tiện vận tải, hoặc do đốt nhiên liệu nhiệt độ cao. Loại khí thải này về lâu dài có tác động rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Điển hình nhất là làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu đến tế bào gây ra nhiều bệnh tật cho con người.
Bên cạnh đó, nước bị ô nhiễm cũng là nỗi lo lớn của mọi người dân sinh sống xung quanh các kênh rạch. Nước bị ô nhiễm còn ảnh hưởng lớn đến chuỗi thức ăn, hệ sinh thái và là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh về hô hấp, ung thư. Riêng thực trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng đang gây nên những tác hại cho sức khỏe của mọi người như làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim…
Có thể thấy rằng, vấn nạn gây ô nhiễm môi trường của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang nóng hơn bao giờ hết với hàng loạt vụ việc sai phạm về môi trường đã và đang được phát hiện. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn vì lợi nhuận mà cố tình xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, xả thải chui. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không đầu tư hệ thống xử lý nước thải… Do vậy, để chấn chỉnh và giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp về xử lý nước thải, xử lý chất thải độc hại… TPHCM đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, phải có 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn TPHCM có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn; có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, xử lý chất thải đúng quy định.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, Nguyên Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để có thể thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng để hạn chế thấp nhất lượng chất thải phải tiêu hủy, thải bỏ; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt đọng sản xuất; phải xác định nguồn thải, khối lượng, tính chất để có phương pháp và quy trình xử lý thích hợp với từng loại chất thải… Trên thực tế, hiện nay phần lớn doanh nghiệp đều thuê dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp không hiểu tác động môi trường là gì, nội dung như thế nào, có trách nhiệm gì hay không? Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần vận hành liên tục hệ thống xử lý chất thải, tránh tình trạng vận hành đối phó khi có cơ quan quản lý đến kiểm tra.
Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hóa, doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật các quy định pháp luật môi trường, quy định về xử phạt hành chính… đồng thời, phải chủ động tìm hiểu những quy định của pháp luật môi trường quốc tế như thông tin về tiêu chuẩn và các biện pháp về sức khỏe hay kiểm dịch được áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm. Có như thế mới giảm thiểu những rủi ro xuất khẩu do rào cản kỹ thuật dựng nên.
HÀ VĂN