(SGGP).- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại cuộc họp “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua trao quyền cho phụ nữ”.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, các thị trường tiềm năng như EU, Mỹ... đang đặt ra những rào cản kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt về vấn đề trách nhiệm xã hội, nhất là những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đặc biệt là bình đẳng giới… Do đó, những doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp đã và sẽ có chiến lược tăng cường xuất khẩu, xâm nhập sâu vào những thị trường trên, cần phải có bước chuẩn bị trước trong việc hoàn thành trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nữ Việt Nam, cho biết, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại bất bình đẳng giới. Việc trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp rất hạn chế. Thậm chí, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa chấp nhận phụ nữ tham gia vào các bộ phận lãnh đạo, giáo dục, đào tạo, hoặc không đối xử công bằng và minh bạch với phụ nữ trong cả chuỗi quá trình cung ứng, sản xuất. Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và giao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cách ứng xử với phụ nữ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang bước vào giai đoạn thực hiện và các tiêu chí về trách nhiệm xã hội như môi trường, an toàn lao động, bình đẳng giới lại trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Được biết, từ đầu năm 2014, UN Women cùng với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã tổ chức thực hiện Dự án triển khai các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ ở các doanh nghiệp tại Việt Nam. Sau 1 năm triển khai, đã có 23 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 11 doanh nghiệp phía Bắc và 12 doanh nghiệp phía Nam.
ÁI VÂN