* Nhiều chính sách ưu đãi ngành công nghiệp hỗ trợ
(SGGP).- Chiều 17-6, tại Hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và tác động đối với Việt Nam” diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện một số chuyên gia, hiệp hội chia sẻ, doanh nghiệp đang “căng sức” chuẩn bị gia nhập TPP. Bởi cơ hội mở ra từ TPP khá nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Các đại biểu tham gia Hội nghị "Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và tác động đối với Việt Nam" tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thi Hồng
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cộng đồng doanh nghiệp biết, hiểu về TPP còn rất hạn chế. Mặc dù cơ hội mở ra được ví như “sâm nhung đại bổ”, nhưng với “thể trạng” hiện tại, doanh nghiệp trong nước có “hấp thụ được chất bổ” hay không lại là chuyện khác. Trong cuộc chạy đua này, nhiều doanh nghiệp phải “căng sức” chạy đua vào TPP.
Dẫn chứng về hàng loạt khó khăn hiện tại đối với ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP, Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ ra các yếu tố như: doanh nghiệp chăn nuôi phải vay lãi suất khá cao từ 7%-9%/năm, trong khi lãi suất của các quốc gia trong khu vực chỉ khoảng 3%-5%/năm; chưa kể, dù lãi suất cao nhưng doanh nghiệp vẫn khó được vay… Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm chăn nuôi của ta cũng cao hơn từ 25%-30% so với những nước cùng tham gia TPP như Mỹ, Canada, Úc…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng trong cuộc đua mới này, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều yếu tố, cụ thể là nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhà nước cần thay đổi thể chế; đồng thời doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ nhà nước trong việc thay đổi các thể chế.
* Cùng ngày, Vụ Công nghiệp nặng, Báo Công Thương đã tổ chức hội thảo, triển lãm “Kết nối cung cầu ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”. Theo Vụ Công nghiệp nặng, công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Vì vậy, nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo. Với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao: được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…
THI HỒNG - LẠC PHONG