Doanh nghiệp châu Âu đổi chủ

VIỆT ANH

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang ngày càng để ý tới những công ty châu Âu, đặc biệt là những cái tên danh tiếng. Mới đây, các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại 26,2% cổ phần của hãng lốp xe Pirelli nổi tiếng của Italia. Trước đó là các thương vụ mua lại hãng ôtô Volvo của Thụy Điển, phần lớn cổ phần của hãng xe hơi Peugeot Citroen, thương hiệu thời trang Sonya Rykiel của Pháp, cảng Piraeus của Hy Lạp, chuỗi nhà hàng Pizza Express và hãng thời trang cao cấp Aquascutum ở Anh. Lượng đầu tư từ Trung Quốc đang tăng theo cấp số nhân. Nhà kinh tế Pháp Antoine Brunet ghi nhận, từ 20 năm nay, Trung Quốc đã tiến hành chiến lược lớn phản công đa chiều, nhằm từng bước lật đổ vai trò thống trị của Mỹ. Chiến lược này diễn ra trên nhiều mặt trận như công nghiệp, thương mại, kinh tế, tài chính, định chế quốc tế, tiền tệ, lãnh thổ, ngoại giao, không gian điều khiển.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ làm sụt giảm giá tài sản, một số nước trong Eurozone ra sức tiến hành tư nhân hóa và những công ty có tiếng đã không còn khắt khe trong việc chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giá cả ở châu Âu đang khá rẻ, họ rất cởi mở và có những yếu tố các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm - công nghệ và thương hiệu. Thương vụ với Pirelli nhằm vào yếu tố thứ hai. Nhà thầu China National Tire & Rubber Company (thuộc Tập đoàn quốc doanh ChemChina) của Trung Quốc là một công ty sản xuất lốp xe với lượng tiêu thụ 20 triệu lốp xe/năm. Mặc dù vậy, không có nhiều người biết đến sản phẩm của công ty này vì họ không có lịch sử đua xe nổi tiếng hay bộ sưu tập được biết đến rộng rãi như của Pirelli.

Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu vẫn “bình chân như vại” vì hai lý do. Một là, các doanh nghiệp lớn ở châu Âu thường vận động hành lang cho Trung Quốc, vì phần lớn doanh số của họ có được từ hàng “made in China” và mua bán trong thị trường nội địa Trung Quốc; Hai là, với mỗi đồng minh của Mỹ, Trung Quốc sử dụng một đòn bẩy riêng. Với Seoul và Berlin, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giành ưu tiên ở thị trường Trung Quốc, với điều kiện phải tách rời ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát châu Âu cho rằng, nếu xu hướng trên tiếp tục, sẽ có nhiều vấn đề cần đặt ra. Việc đầu tư vào các công ty tư nhân không có gì lạ, nhưng khi những thương hiệu lớn nổi tiếng của châu Âu thuộc sở hữu của những tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, nó sẽ trở thành vấn đề địa chính trị. Bằng việc bán các tài sản của mình, châu Âu đang giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, giúp phổ biến giá trị và quan điểm chính trị của Trung Quốc tại trái tim châu Âu. Nhiều người cho rằng, châu Âu cần một chính sách chặt chẽ hơn để đối phó với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặt quy định cho những gì được phép, những gì không được phép. Việc quy định các tập đoàn quốc doanh nước ngoài chỉ được đầu tư vào những dự án mới hay những doanh nghiệp mới là một lựa chọn khả thi. Bên cạnh đó, các chính phủ EU cũng có thể yêu cầu các tập đoàn quốc doanh này hợp tác với các công ty nội địa và không được chiếm cổ phần chi phối, trong khi cho phép các doanh nghiệp tư nhân được tự do hơn nữa...

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục