Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì các hiệp định thương mại TPP, FTA giữa Việt Nam-EU sẽ sớm được thực hiện, có hiệu lực trong năm 2014. Cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi đang rất cận kề, đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm cho tình hình sản xuất, xuất khẩu (XK) dệt may Việt Nam trở nên nhộn nhịp, hứng khởi hơn ngay từ đầu năm 2014.
Người lao động giảm nhảy việc
Theo ghi nhận tại các doanh nghiệp (DN) dệt may tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, so với những năm trước, tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2014 khá cao, tại nhiều DN đạt đến 99%-100%. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Ở những DN lớn có vài ngàn lao động, chính sách chăm lo và mức lương tương đối tốt, tỷ lệ trở lại làm việc sau tết ở những năm trước cũng phải thiếu ít nhất 5%-10% nhưng năm nay chỉ có khoảng 20-30 người và những lao động này đều có lý do như: xin nghỉ thai sản, chăm con nhỏ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM (Agtek) đánh giá, hầu hết DN dệt may tại TPHCM đều ghi nhận sự ổn định về tình hình lao động trở lại TP làm việc sau tết. Đây là dấu hiệu rất tích cực vì trong những năm qua, vấn đề nghỉ việc, nhảy việc sau tết đã gây xáo trộn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nhiều DN. Việc lao động ít dịch chuyển, nhảy việc trong năm nay cũng phần nào đánh giá được thị trường lao động của ngành. Theo ông Hồng, những lý do để DN giữ chân người lao động ở lại chính là chính sách chăm sóc đời sống, lương thưởng cuối năm của DN tương đối tốt. Ở nhiều DN, không để người lao động phải tăng ca ngày chủ nhật, để thời gian nghỉ tết kéo dài 2 tuần, lao động được hỗ trợ thêm lương cho tháng nghỉ tết… Các ngành khác vẫn không phát triển nhiều hơn, trong khi dệt may vẫn ổn định nên lao động quyết định gắn bó với ngành may. Và một trong những giải pháp để hạn chế dịch chuyển lao động mà nhiều DN dệt may tại TPHCM áp dụng hiệu quả là chỉ tuyển lao động có tay nghề vào làm việc thay vì tuyển ào ạt vào vừa làm vừa đào tạo như trước đây. Vì theo các DN, lao động không có tay nghề là đối tượng thường xuyên nhảy việc.
Đơn hàng nhiều
Ở thời điểm này, hầu hết DN dệt may đã xong kế hoạch, đơn hàng sản xuất đến tháng 6-2014. DN cũng đã ghi nhận thỏa thuận, dành năng lực sản xuất cho khách hàng vào 6 tháng cuối năm 2014. Hiệp định TPP đang trong giai đoạn hoàn tất, chuẩn bị áp dụng, đã có tác động tích cực rõ nét hơn đối với thị trường XK dệt may của Việt Nam trong năm nay. Các nhà nhập khẩu dồn dập tìm đến DN dệt may Việt Nam và đơn hàng cũng nhiều hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Campuchia, Myanmar, Philippines có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam về giá nhân công, giá bán. Tuy nhiên, khi để lên bàn cân để so sánh nhiều yếu tố thì Việt Nam vẫn có lợi thế riêng và Việt Nam có sức hút đối với các nhà nhập khẩu dệt may hơn. Đánh giá chung của thị trường thì tình hình đơn hàng sản xuất dệt may tại thời điểm hiện nay ổn định. Đơn hàng XK dệt may hiện nay khá dồi dào, DN dệt may Việt Nam sẽ có được thế chủ động, lựa chọn đơn hàng tốt, với giá tốt nhất để sản xuất.
Bà Phùng Thị Hoài Thu, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, chia sẻ, đơn hàng XK vào Nhật Bản chiếm 60% thị phần XK của Sài Gòn 3, TPP có hiệu lực cũng không có nhiều tác động với DN vì thực tế FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản và Nhật Bản - ASEAN đã cho dệt may XK vào Nhật Bản được hưởng ưu đãi về thuế suất. Để đón bắt cơ hội cho thị trường Mỹ ở TPP, DN cũng đã điều chỉnh tăng thị phần XK vào đây, tuy nhiên, hướng lựa chọn của DN chỉ dừng lại ở việc lựa chọn những đơn hàng có giá tốt nhất để sản xuất, XK vào Mỹ. Hiện nay, không chỉ riêng Sài Gòn 3 mà ở nhiều DN khác, việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tuyển thêm lao động và tăng thêm năng lực sản xuất là điều phải tính toán rất kỹ lưỡng.
Công ty Garmex Saigon cho biết, để đáp ứng cho XK vào Mỹ trong năm nay, DN quyết định tăng thêm 6 chuyền may với khoảng 360 lao động cho nhà máy ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nâng tổng số lao động tại 4 nhà máy tại TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam của DN lên hơn 4.000 lao động. Hiện kế hoạch sản xuất cho các đối tác trong cả năm 2014 đã xong, nếu DN không tăng thêm năng lực sản xuất thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Với 100% đơn hàng XK theo phương thức FOB, Garmex Saigon đặt kế hoạch đạt doanh thu trong năm 2014 lên 60 triệu USD so với 52 triệu USD trong năm 2013.
Với những dấu hiệu tích cực ngay ở thời điểm đầu năm, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt bước tiến tốt hơn trong năm 2014, chắc chắn XK sẽ vượt mục tiêu 23 tỷ USD (cả may mặc, dệt sợi); trong đó, XK dệt may vào thị trường Mỹ sẽ đạt hơn 10 tỷ USD.
HÀ NHAI