Nói một cách chính xác, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang khó tiếp cận các đơn đặt hàng lớn liên quan đến lĩnh vực điện, điện tử của các tập đoàn công nghệ công nghiệp điện tử có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi quy mô sản xuất của DN Việt Nam thường nhỏ, thiết bị thế hệ cũ không đảm bảo chất lượng ổn định khi tăng số lượng gia công sản xuất. Ngoài ra, DN chưa đáp ứng được những điều kiện khác như uy tín thương hiệu, thời gian thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm phải nhanh, giao hàng đúng giờ…
Khó chen chân vì nội lực yếu
Thông thường, các DN hỗ trợ được đặt hàng với số lượng hàng trăm ngàn đơn vị trở lên, đặc biệt, trong ngành điện tử, có những linh kiện, mạch in… lên trên 1 triệu đơn vị hay đến vài triệu đơn vị. Tuy nhiên, các DN vi mạch điện tử trong nước đa phần là các DN vừa và nhỏ, bị hạn chế nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và tài chính để nghiên cứu phát triển và kinh doanh các sản phẩm công nghệ có giá trị tăng cao. Với hiện trạng dây chuyền sản xuất của các DN nội như hiện nay, các DN chưa thể đáp ứng được những đơn hàng số lượng lớn trên.
Sản xuất đèn LED tại một doanh nghiệp trong nước Ảnh: THÀNH TRÍ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn cho biết, số ít DN nước ta nhờ sự hỗ trợ của nhà nước được đánh giá là có năng lực. Thể hiện rõ qua việc tự nâng cấp cải thiện dây chuyền sản xuất để sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được đến mức có thể thiết kế, chế tạo một sản phẩm điện tử bán dẫn hoàn chỉnh và tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng từ các linh kiện điện tử này. Đại diện Tổng công ty Quang lượng tử Việt Mỹ cũng khẳng định, các sản phẩm wafer mà công ty đang sản xuất tại Việt Nam được xem là sản phẩm công nghệ cao nhưng thuộc dạng sản phẩm công nghệ cấp thấp trên thị trường bán dẫn thế giới. Sở dĩ, các sản phẩm này vẫn còn nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường là do các nước có ngành bán dẫn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu dần thay đổi hướng nghiên cứu và sản xuất sang các sản phẩm có công nghệ mới và tiên tiến hơn. Vì vậy, công ty mới có điều kiện xuất khẩu wafer sang nước ngoài từ một nước mới phát triển ngành vi mạch như Việt Nam.
Điều kiện sản xuất hiện tại chật vật nhưng ngay cả điều kiện để cải thiện hiện trạng sản xuất cũng khó thực hiện được. Công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp điện tử ít phát triển, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân 20% - 30% nên sức cạnh tranh không cao. Sản phẩm hỗ trợ của nước ta mới chủ yếu là bao bì đóng gói với các chi tiết nhựa, kim loại nên giá trị gia tăng thấp.
Chưa hết, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hoạt động của các DN sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng và điện tử công nghiệp cũng tạo rào cản cho ngành công nghiệp điện tử khó phát triển. Thống kê cho thấy, có đến 80% hoạt động chính của ngành điện tử Việt Nam là lắp ráp sản phẩm dân dụng, 20% còn lại mới là điện tử công nghiệp. Trong khi tỷ lệ này tại các quốc gia phát triển là 15% và 85%. Còn những nước trong khu vực thì 65% và 35%. Thậm chí, với Malaysia là 80% linh kiện sản xuất tại chỗ. Một số sản phẩm điện tử đã đạt đến 100% linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước đạt chuẩn cung ứng cho thị trường toàn cầu. Các công ty Việt Nam chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp linh kiện điện tử và toàn bộ vi mạch tích hợp đều mua từ nguồn nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Hợp lực để tìm cơ hội
Hiện nay, Khu công nghệ cao TPHCM đã cấp 90 giấy phép đầu tư sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, lũy kế đến nay doanh số của các DN trong khu đã vượt 15 tỷ USD. Thế nhưng, DN nội cũng chưa chen chân nhiều vào các dòng sản phẩm điện tử chế tạo của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài như Canon, LG, Panasonic, Samsung, Intel... Nguyên nhân là không thể đáp ứng yêu cầu từ công đoạn R&D, thiết kế mẫu mã, thiết kế thiết bị mới, chế tạo thử nghiệm, chế tạo hàng loạt hay chế tạo theo yêu cầu của khách hàng với hệ thống sản xuất linh hoạt.
Mức độ tiên tiến của công nghệ chế tạo tại các DN trong khu cũng chuyển đổi rất nhanh khiến DN nội khó thích ứng chuyển đổi kịp. Đơn cử, nhà máy Intel từ công nghệ lắp ráp, kiểm định đã chuyển sang chế tạo chip Haswell, Sofia CPU ở công đoạn Blackend. Một số DN đã chế tạo tại chỗ robot công nghiệp 5 bậc tự do đến 7 bậc tự do, công nghệ modun hóa dây chuyền sản xuất, sử dụng vật liệu mới, công nghệ nano cho sản phẩm mới…Hay như Samsung, với sản lượng xuất khẩu qua cảng Cát Lái là 800 xe container/ngày.
Theo Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, để nhanh chóng đưa DN nội tiếp cận được đơn đặt hàng của DN công nghệ cao, thành phố cần có chính sách cho các DN vừa và nhỏ đầu tư sản xuất tại khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được vay tín dụng trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi, được bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư theo quy định hiện hành. Đồng thời, có chính sách đề xuất cơ chế hỗ trợ đặc biệt về chuyển giao công nghệ cho các DN công nghiệp hỗ trợ điện tử, vi mạch, bán dẫn
Và trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, hạ tầng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung còn nhiều thiếu thốn, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng dùng chung như phòng thí nghiệm chuyên ngành, máy móc thiết bị, thư viện phần mềm thiết kế… phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm cho các DN vừa và nhỏ. Mặt khác, xây dựng mạng liên kết các DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện - điện tử với sự điều phối hợp nhất từ Sở Công thương. Có như vậy, DN mới có thể nhận những đơn đặt hàng lớn nhờ hợp lực sản xuất mới đáp ứng và đáp ứng được các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng đơn đặt hàng.
ÁI LINH