Doanh nghiệp Đức dự tính đầu tư vào ngành y tế tại Việt Nam

Chiều 27-2, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (cơ quan đại diện của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức) cho biết, các doanh nghiệp Đức rất quan tâm, dự tính đầu tư vào ngành y tế tại Việt Nam.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy thị trường Việt Nam được các doanh nghiệp Đức trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe đánh giá rất cao, đặc biệt khi Hiệp định thương mại tự do giữa Châu Âu và Việt Nam được dự đoán sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7-2020.

Thị trường Châu Á (86%) và đặc biệt là Việt Nam (66%) nhận được sự quan tâm cao từ doanh nghiệp Đức, cả những tập đoàn hàng đầu của Đức trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành.

Hiện nay, Công hòa Liên bang Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong khối liên minh Châu Âu, đồng thời là một trong hai quốc gia xuất khẩu các sản phẩm trang thiết bị y tế nhiều nhất sang Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ, với tổng giá trị thương mại đạt 153 triệu USD năm 2018.

Tuy vậy, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng chỉ ra những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Đức khi tiếp cận thị trường Việt Nam, bao gồm thông tin (54%), sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp (43%), rào cản ngôn ngữ cũng như việc tìm kiếm đối tác phù hợp và nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam (37%).

Trước đó, vào tháng 1-2020, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã kết hợp với các Hiệp hội trong ngành Y tế và Chăm sóc sức khỏe Cộng hòa Liên bang Đức, ngành thiết bị y tế Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện cuộc khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng thị trường Việt Nam đối với doanh nghiệp Đức.

Nội dung cuộc khảo sát liên quan đến những nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp Đức trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam, qua đó đưa ra những giải pháp chiến lược thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.

Những chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam hiệu quả được các doanh nghiệp chọn lựa chính là sử dụng thương hiệu lớn và uy tín của mình và hợp tác với các đối tác doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, phần lớn trong số họ (54%) đều gặp những rào cản như sự thiếu hụt thông tin, sự phức tạp trong các quá trình đăng ký, hay trong quá trình tìm hiểu các quy định pháp luật, các bảng biểu thuế nhập khẩu… Rào cản về ngôn ngữ, về khác biệt văn hóa (37%) cũng được doanh nghiệp đề cập trong quá trình tiếp cận thị trường. Việc tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp phù hợp tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục