Doanh nghiệp được phục vụ vô điều kiện

Doanh nghiệp được phục vụ vô điều kiện

Sáng 8-3, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi “Lắng nghe và đổi mới” với hơn 170 doanh nghiệp (DN), hội ngành nghề trên địa bàn TPHCM.

Mở đầu buổi đối thoại, đồng chí Đinh La Thăng kêu gọi DN hãy nói thẳng, nói thật về những vướng mắc, nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý nhà nước. “Có lãnh đạo cao nhất của thành phố ở đây thì không phải sợ ai trù dập cả”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khuyến khích DN mạnh dạn lên tiếng phản ánh.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói chuyện với doanh nghiệp tại buổi “Lắng nghe và đổi mới”. Ảnh: Cao Thăng

“Nóng” chuyện hoàn thuế, quy định “đá” nhau

Các vấn đề bất cập về thuế được các DN quan tâm phản ánh nhiều nhất. Cụ thể, máy móc nhập khẩu không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng DN sản xuất trong nước thì phải chịu thuế. “Đặc biệt là quy định thu thuế VAT rồi sau đó hoàn thuế, gây rất nhiều khó khăn, DN vừa tốn thời gian, còn bị chiếm dụng vốn - trong khi hầu hết DN phải vay vốn. DN đầu tư thì phải một năm sau mới được hoàn thuế”, đại diện Hội Cơ khí TPHCM bức xúc.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó trưởng Cục Thuế TP cho biết, Cục Thuế TP cũng đang góp ý sửa đổi bổ sung luật theo hướng không thu thuế VAT ở khâu nhập khẩu, vì tạm thu xong lại khấu trừ, hoàn thuế khiến DN tốn thời gian, tăng chi phí. Về quy định hoàn thuế hiện nay, nếu DN có số thuế phải hoàn từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn theo tháng, thấp hơn thì hoàn theo quý, theo năm.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty thép Khương Mai cho biết, công ty ông nộp thuế VAT tại khâu nhập khẩu nhưng 5 năm rồi không hoàn thuế được, cán bộ làm khó, bắt bẽ kiểu chữ “tàu” thành “xà lan”… Bà Trần Thị Lệ Nga khẳng định, quy định đã rõ, nếu cán bộ nào giải thích sai, làm khó thì đề nghị DN phản ánh trực tiếp với Cục Thuế để được xử lý.

Nhiều quy định bất cập khác cũng làm cản trở sự phát triển của DN. Cụ thể, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương tham mưu ban hành danh mục vật liệu thay thế thì trong đó có nhiều mặt hàng mà DN trong nước đã sản xuất được, thậm chí xuất bán ở nước ngoài nhưng bộ vẫn không xác nhận là mặt hàng đó trong nước sản xuất được. Các DN chế tạo khuôn mẫu đã trực tiếp gặp Bộ Công thương nhưng bộ buộc DN phải chứng minh hàng sản xuất trong nước phải đạt tỷ lệ thị phần quy định thì mới được xem là sản xuất trong nước, mà điều này DN không thể chứng minh được.

Trường hợp bất cập khác được bác sĩ Huỳnh Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, kể: Năm 2000, bệnh viện xin phép thành lập và đã đưa vào sử dụng. Đến năm 2013, Bộ Y tế thẩm định lại thì không đạt theo tiêu chuẩn mới. Bộ Y tế khuyến khích bệnh viện mua thêm đất bên cạnh để mở rộng. Bệnh viện đã mua thêm đất nhưng khi đăng ký đầu tư mở rộng thì lại vướng quy định không cho mở rộng bệnh viện trong nội thành, lý do sợ kẹt xe. Đến nay đã 2 năm rồi mà các cơ quan hữu quan chưa gỡ được.

Bác sĩ Dung bức xúc, mở bệnh viện thì sợ kẹt xe, trong khi các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm thương mại thì vẫn mọc lên ầm ầm. Một vấn đề khác mà bệnh viện cũng rất bức xúc là việc xử lý nước thải đạt chuẩn. Muốn làm báo cáo gia hạn giấy phép đấu nối với hệ thống nước TP thì sở buộc bệnh viện phải thông qua công ty có 2 kỹ sư thì mới được, phải tốn thêm phí, trong khi bệnh viện có kỹ sư vận hành thường xuyên rồi nhưng vẫn không được chấp nhận.

Bác sĩ Huỳnh Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh phát biểu tại buổi “Lắng nghe và đổi mới”. Ảnh: Cao Thăng

Cạnh tranh vẫn là vấn đề khó

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, đề xuất nên lấy giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn hội nhập, trong đó lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển đất nước. Cụ thể là phải phấn đấu đến năm 2020 đạt 2 triệu DN. Hiện nay chỉ mới có nửa triệu DN là quá ít, chỉ bằng 0,5% dân số. Giải pháp đề ra trong giai đoạn này là ổn định cơ chế chính sách, đào tạo phát triển nguồn nhân lực (cả cán bộ công chức quản lý DN), giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng và giảm thuế.

Ông Minh cho rằng vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thời kỳ hội nhập là rất quan trọng. “Thế nhưng, hiện nay thương hiệu mới chưa xuất hiện mà thương hiệu cũ thì đã mất. Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam bị các DN nước ngoài mua lại. Do vậy, nhà nước phải làm sao hỗ trợ, giúp DN giữ vững thương hiệu cũ và phát triển đi lên, cùng với việc xây dựng thương hiệu mới”. Vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng thế, “nước lên nhưng thuyền không lên”, trong khi DN FDI đang lên thì DN trong nước lại đi xuống. Đại diện lãnh đạo một công ty sắt thép cho rằng lãi suất ngân hàng cũng là rào cản, lãi trong nước hiện nay 6%-8%, trong khi các nước lân cận lãi suất chỉ 1% thì DN Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nổi.

Về hoạt động sản xuất - xuất khẩu, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, có đến 70%-80% nguyên phụ liệu ngành dệt may là nhập khẩu, nên hầu như chúng ta chỉ gia công. Ông Hồng đề nghị TP phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Làm sao để DN phải mua nguyên liệu bán thành phẩm thì mới có lợi nhuận, chứ gia công không thể khá được, chỉ là bán sức lao động để sống. Để phát triển DN phụ trợ, đề nghị TP miễn giảm thuế đất một số năm, đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung (đối với dệt nhuộm) giúp DN “nhẹ gánh” trong đầu tư. Đồng thời, ông Hồng cho biết hiện nay vải nhập lậu rất nhiều. Nếu không ngăn chặn được nhập lậu thì DN sản xuất trong nước không tồn tại được, không dám đầu tư mở rộng vì không cạnh tranh lại hàng lậu. Hiện nay, số DN may tồn tại và phát triển được chỉ đếm trên đầu ngón tay vì hàng gian, hàng giả, hàng nhái nhiều nên DN chân chính không “sống” nổi.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị thành phố phải liên tục tiếp nhận và xử lý mọi vướng mắc cho DN, không đợi đến một năm mới tiếp xúc, lắng nghe. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ gặp gỡ các hội chuyên ngành để nghe và tháo gỡ theo yêu cầu của từng DN. UBND TP cam kết sẽ chăm lo cho DN, giúp DN nâng tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thành phố xem thành công của DN là thành công của thành phố, vì thế mà ra sức phục vụ.

Tổng kết buổi “Lắng nghe và đổi mới”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo một số nội dung chính sau: Thứ nhất, các sở ngành phải đổi mới ý thức, phải coi trọng DN, vì DN là đối tượng chính đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Vì vậy, nên coi DN là đối tượng được phục vụ vô điều kiện của cán bộ, công chức nhà nước.

Thứ hai, năm 2017 phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả DN.

Thứ ba, về phía DN thì phải bắt tay, hợp lực, tạo ra sức mạnh cạnh tranh, nắm giữ thị trường bán lẻ trong nước. Từng DN phải tái cơ cấu lại, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động… nhằm tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, TPHCM trân trọng những DN làm ăn tốt như anh hùng. Cái gì thay đổi được là thay đổi ngay để tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Thành phố sẵn sàng đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu, thậm chí là làm chậm gây cản trở các hoạt động khác.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục