Doanh nghiệp gây ô nhiễm - Khó xử lý triệt để

“TPHCM có rất nhiều doanh nghiệp xếp hạng ô nhiễm nghiêm trọng”. Đó là khẳng định của Sở TN-MT TPHCM căn cứ theo tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp (DN) ô nhiễm nghiêm trọng mà Bộ TN-MT vừa đưa ra. Điều đáng nói là việc xếp hạng DN dễ còn việc xử lý triệt để những DN này lại không dễ.
Doanh nghiệp gây ô nhiễm - Khó xử lý triệt để

“TPHCM có rất nhiều doanh nghiệp xếp hạng ô nhiễm nghiêm trọng”. Đó là khẳng định của Sở TN-MT TPHCM căn cứ theo tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp (DN) ô nhiễm nghiêm trọng mà Bộ TN-MT vừa đưa ra. Điều đáng nói là việc xếp hạng DN dễ còn việc xử lý triệt để những DN này lại không dễ.

Phần lớn DN ô nhiễm là DN nhỏ
 
Theo tiêu chí mà Bộ TN-MT đưa ra, dù DN sản xuất có quy mô lớn hay nhỏ, thậm chí rất nhỏ cũng đều có thể bị xếp hạng DN ô nhiễm nghiêm trọng. Những yếu tố cấu thành mức xếp hạng này là nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, độ rung và chất thải rắn. Chỉ có điều với những DN có lượng thải lớn, thông số xác định mức độ vi phạm nghiêm trọng cũng khắt khe hơn. Ngược lại, với những DN nhỏ, những thông số cũng như số lần vi phạm cũng được nới rộng hơn.

Đơn cử, cùng hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, với DN có lượng nước thải khoảng 500m³/ngày trở lên chỉ cần có 2 hoặc 3 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật và có chứa chất thải nguy hại sẽ bị xếp hạng DN ô nhiễm nghiêm trọng. Còn với DN sản xuất nhỏ, có lượng nước thải khoảng 10m³/ngày trở lên đến dưới 50m³/ngày, để bị xếp vào hạng DN ô nhiễm nghiêm trọng phải có đến 6 thông số không đạt yêu cầu… 

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH MTV Vân Thành (xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh).

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH MTV Vân Thành (xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh).

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh Thanh tra Sở TN-MT TPHCM khẳng định, từ khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 2003 đã đề cập đến DN ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng, làm thế nào để xác định được DN ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay mới có tiêu chí quy định rõ ràng. Hơn nữa, hiện tại, việc xác định DN gây ô nhiễm nghiêm trọng cũng giúp định hướng hoạt động sản xuất của các DN đang hoạt động tại các tỉnh thành.

Theo đó, hàng năm các địa phương sẽ thống kế số lượng DN ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đó, định hướng họ di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động cho phù hợp với khu vực mình cư trú.
 
Điều đáng lo ngại là từ việc định hướng đến việc triển khai thực tế không đơn giản. Đại diện Phòng TN-MT quận 7 khẳng định, trên địa bàn, phần lớn DN ô nhiễm là DN nhỏ. Họ thường tận dụng nhà ở làm mặt bằng sản xuất. Chính quyền địa phương đã phạt nhiều lần nhưng họ vẫn không thể thay đổi ngành nghề sản xuất hoặc chuyển đi nơi khác hoạt động. Muốn làm được điều này, chắc chắn phải có sự hỗ trợ từ TP.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công thương TPHCM cho biết, từ năm 2003, để di dời hơn 1.200 DN gây ô nhiễm từ khu vực nội thành vào khu, cụm sản xuất công nghiệp tập trung, TP đã thành lập ban chỉ đạo di dời và phải hỗ trợ tiền thuê đất, vốn di dời và tái sản xuất… Tuy nhiên, hiện ban chỉ đạo này đã giải thể. Vì vậy, với những DN ô nhiễm hiện hữu, rất khó có thêm chính sách hỗ trợ di dời.
 
Cần định hướng chung

Theo bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN-MT TPHCM, việc xác định DN ô nhiễm nghiêm trọng để có định hướng xử lý là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng DN tái vi phạm môi trường. Hiện quy định xử phạt cho phép phạt tối đa 500 triệu đồng/hành vi vi phạm nhưng lại chưa điều chỉnh thẩm quyền xử phạt. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng rất nhiều quyết định xử phạt phải chuyển lên UBND TPHCM ban hành quyết định xử phạt.

Trên thực tế, cách làm này khiến UBND TP bị quá tải, có những trường hợp vi phạm mà hết hiệu lực xử phạt vẫn chưa có quyết định xử lý. Đại diện Phòng chống tội phạm môi trường - Công an TPHCM nhấn mạnh thêm, cho đến nay, luật quy định cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự với chủ DN có hành vi vi phạm môi trường. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định khởi tố thì chưa cụ thể, rõ ràng.

Do đó, để tăng hiệu quả xử lý DN có hành vi vi phạm môi trường, rất cần phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Nhất thiết phải phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm môi trường của DN cho cấp cơ sở. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện quy định về khởi tố hình sự với chủ DN có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng.
 
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết, không chỉ tập trung xử lý DN vi phạm môi trường mà nước ta đang hướng đến nền kinh tế “xanh”, bền vững. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi Chính phủ phải có những định hướng rất rõ ràng về đối tượng cũng như chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển. Trên thực tế, nước ta đang rất “rối” về đối tượng “xanh”. Nhiều ngành xây dựng một đối tượng “xanh” cho riêng mình và đi kèm với đó là hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển cho đối tượng này.

Kết quả là cùng một DN nhưng lại không biết là thuộc vào chính sách ưu tiên phát triển xanh nào. Đơn cử như Bộ Công thương có chính sách phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Bộ TN-MT có chính sách ưu tiên cho phát triển sạch, giảm thiểu ô nhiễm. Vậy giảm thiểu sử dụng năng lượng (Bộ Công thương) và giảm thiểu ô nhiễm cũng bao hàm giảm sử dụng năng lượng (Bộ TNMT) liệu có dẫm chân lên nhau?
 
Phát triển kinh tế “xanh” đã và đang là trào lưu trên thế giới. Việc đeo đuổi trào lưu này là rất cần thiết, thể hiện tính phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng rất cần phải tỉnh táo với việc quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế theo xu hướng này. Nhất thiết phải xuất phát từ nội lực của nền kinh tế và đặc biệt hơn là phải xác định rõ ràng tất cả những đối tượng phát triển “xanh”.

Từ đó, xây dựng một chính sách chung, áp dụng phù hợp với từng đối tượng. Có như vậy mới tránh được tình trạng “loạn” phát triển xanh.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục