Doanh nghiệp gửi thư cảm ơn sau khi 22 container hồ tiêu được giải cứu

Một doanh nghiệp vừa có thư cảm ơn sự vào cuộc nhanh chóng, trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi 22 container của doanh nghiệp này cùng hàng chục container khác bị mắc kẹt ở cảng nước ngoài, không ra được, đã được giải cứu... 
Các loại hàng hoá, nông sản Việt Nam tập kết ở cảng để xuất khẩu đi các nước. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Công thương gửi báo chí trưa nay 25-11, một công ty vừa gửi thư cảm ơn tới Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cùng các đại sứ, tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam… vì đã nỗ lực giải cứu 22 container hồ tiêu của công ty này và hàng chục container hồ tiêu của doanh nghiệp khác từ Nepal.

Theo doanh nghiệp này, đến ngày 9-11 vừa qua, 22 container hạt tiêu đã cập cảng Cát Lái -TPHCM thành công. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển về nhà máy của công ty, 15/22 container hàng đã được dỡ ra và ghi nhận hàng hóa bị mốc lên tới 50%. Nguyên nhân là do thời gian container lưu bãi tại Nepal quá lâu (hơn 6 tháng) và trải qua các đợt thay đổi thời tiết tại Nepal. Lãnh đạo công ty này cho biết, với những hư hại này, hiện công ty đang tiến hành xử lý bằng kỹ thuật cao là tiệt trùng hơi nước.

Tổng mức thiệt hại sơ bộ cho mỗi lô hàng từ lúc bắt đầu kéo hàng về bao gồm phí hải quan, thủ tục hành chính tại Nepal, Ấn Độ và các phí lưu bãi, phụ phí của hãng tàu cho tới khi doanh nghiệp này xử lý xong hàng hóa hư hỏng ước tính chiếm 40% giá trị lô hàng.

Vào tháng 7-2020, Báo SGGP đã đưa tin "Kêu cứu vì 58 container hồ tiêu xuất khẩu đang mắc kẹt" do chính sách nhập khẩu của nước này thay đổi.  
Liên quan tới sự cố này, chiều tối 14-7, Văn phòng Bộ Công thương cùng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi của Bộ Công thương đã thông tin tới báo chí cụ thể tình hình và hướng xử lý.
Theo đó, vào ngày 25-3, Bộ Công thương và vật tư Nepal đã ban hành quyết định tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu. Tuy quyết định này đến ngày 6-4 mới có hiệu lực nhưng cơ quan kiểm soát nhập khẩu của nước này chỉ cho phép thông quan các lô hàng hồ tiêu nhập vào Nepal đã mở tờ khai L/C trước ngày 29-3-2020. Từ đó dẫn tới việc nhiều container hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Nepal bị ách tắc.
Ngay sau khi nhận được thông tin của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã lập tức ký công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công thương và vật tư Nepal đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Phía Việt Nam cũng liên tục có các buổi làm việc trực tuyến với Nepal để tìm hướng giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đưa ra đề xuất nếu không thể làm thủ tục nhập khẩu vào Nepal thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tái xuất các lô hàng đang nằm tại cảng Nepal về Việt Nam.
Tin vui là sau khi nhận được công thư của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phía Nepal cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam theo đúng quy định pháp luật.
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thông tin, theo quy định mà Chính phủ Nepal áp dụng, các doanh nghiệp phải có L/C mở trước ngày 29-3-2020, đồng thời muốn tái xuất các lô hàng khỏi Nepal thì điều kiện quan trọng là phải có đơn xin tái xuất của các nhà nhập khẩu Nepal.
Nhưng trên thực tế, các hợp đồng của 13 doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn đều không mở L/C. Hơn nữa, trong hơn 2 tháng vừa qua, kể từ ngày Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, các nhà nhập khẩu tại Nepal có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục tái xuất. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tái xuất các lô hàng theo mong muốn.
Để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, Bộ Công thương Việt Nam đã tích cực phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) làm việc với hiệp hội và các nhà nhập khẩu hồ tiêu của Nepal để thuyết phục họ phối hợp, đồng ý ký đơn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tái xuất các lô hàng.
Rất may, tới đầu tháng 7 này, một vài nhà nhập khẩu Nepal đã đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất cho các container hồ tiêu của Việt Nam bị mắc kẹt.

Tin cùng chuyên mục