Bắt đầu từ năm 2017, một loạt bệnh viện (BV) công lập của TPHCM, từ cấp quận, huyện đến TP, sẽ không còn nhận “sữa” từ ngân sách (trước giờ, hầu hết BV được ngân sách TP “tiếp sức” hoàn toàn hoặc tự chủ một phần), tiến tới tự chủ hoàn toàn, trở thành đơn vị sự nghiệp. Mặt khác, với xu hướng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hiện đại hóa cơ sở vật chất và dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh, TPHCM đang khuyến khích các cơ sở y tế tiến tới trở thành doanh nghiệp, thậm chí cổ phần hóa.
Phòng hồi sức Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI
Tự chủ hoàn toàn
Được tách ra từ Trung tâm Y tế quận cách nay gần 10 năm, BV Quận Bình Thạnh chỉ là một cơ sở y tế nhỏ nhoi về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn con người. Mọi thứ khởi đầu khó khăn để đảm đương công tác khám chữa bệnh cho một trong những địa bàn đông dân cư nhất TP. Vậy nhưng, chỉ sau 7 năm (tức cách nay 3 năm), BV Quận Bình Thạnh đã là một địa chỉ tin cậy của người bệnh và trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính. Bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó giám đốc BV, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng lên có lúc 3.000 lượt/ngày, trong khi năm 2014 và 2015 dao động từ 2.000 - 2.500 lượt bệnh/ngày. Theo bác sĩ Quí thì đa số bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 85%, với khoảng 260.000 thẻ. Điều đáng nói, qua tự chủ tài chính, BV Quận Bình Thạnh vẫn đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ y bác sĩ, có tích lũy tái đầu tư…
Tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo Thành ủy TPHCM và các sở, ban ngành mới đây, bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, cũng phấn khởi vì được Bộ Y tế đánh giá là phát triển mạnh mẽ, đơn vị là BV cấp quận đầu tiên trong cả nước được xếp hạng 1. Đáng nói hơn, cũng từ nhiều năm qua, BV Quận Thủ Đức đã tự chủ một phần, chỉ còn nhận rất ít kinh phí từ ngân sách cho hoạt động chi thường xuyên cơ bản (năm 2016 khoảng 36 tỷ đồng).
Từ chỗ chỉ có 3 phòng chức năng, 4 khoa và 99 nhân sự khám điều trị khoảng 200 lượt bệnh nhân/ngày khi mới thành lập, đến năm 2016, BV Quận Thủ Đức đã có 49 khoa, phòng, 1.447 nhân sự khám và điều trị 5.000 - 5.500 lượt bệnh nhân/ngày, 800 giường bệnh nội trú và rất ít trường hợp phải chuyển viện lên tuyến trên như trước đây.
Mặt khác, BV cũng đã triển khai hầu hết các kỹ thuật chuyên môn, đặc biệt là các chuyên khoa kỹ thuật cao về ngoại khoa. “BV đã đăng ký loại hình nhóm 1 là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm 2017, hướng tới vận hành tự chủ theo loại hình doanh nghiệp”, bác sĩ Quân nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay đã có 8 BV công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính, vẫn còn 42 BV tự chủ một phần và 3 BV phải bao cấp. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM vừa qua, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng tự chủ BV vẫn đang là một vấn đề đau đầu của ngành y tế. Tuy nhiên, ngành y tế TP luôn khuyến khích các BV công chuyển đổi sang tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư để vừa có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa giảm gánh nặng ngân sách.
Các BV tự chủ tài chính sẽ hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân
Tiến tới doanh nghiệp cổ phần hóa
Cũng như các lĩnh vực và ngành nghề khác, ngành y tế cũng đang được Chính phủ quan tâm đầu tư và cải tổ để vừa phát triển ngang tầm khu vực, thế giới, vừa phục vụ tốt nhất cho người dân. Trong đó, có chủ trương khuyến khích xã hội hóa, tự chủ. Theo Sở Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ sở y tế, BV đã được “cởi mở” hơn trong tự chủ đầu tư, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao…
Làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM mới đây về nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân TP nói riêng và các tỉnh nói chung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư và có thể huy động vốn ODA cho ngành y tế. Đồng thời phân cấp, phân quyền cho các BV tự chủ toàn diện… Ngay cả các BV trung ương cũng được khuyến khích tự chủ, xã hội hóa và cả cơ chế kết hợp công - tư (PPP) trong đầu tư xây dựng BV mới.
Đặt vấn đề BV trở thành đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tại buổi làm việc với BV Quận Thủ Đức vừa qua, đại diện Sở Tài chính cho rằng hoàn toàn phù hợp. Thậm chí theo xu hướng của Chính phủ, tiến tới khuyến khích cổ phần hóa bệnh viện - mà BV Giao thông Vận tải là một ví dụ… Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đặc thù BV có nguồn thu gồm khám chữa bệnh BHYT và khám chữa bệnh dịch vụ. Với BHYT, giá khám chữa bệnh tuân thủ quy định của liên Bộ Tài chính - Y tế, còn khám chữa bệnh dịch vụ thì BV được phép ấn định nhưng phải tuân theo quy định pháp luật về giá. Do đó, các BV công muốn phát triển lên mô hình doanh nghiệp nhưng “vướng” quy định về giá thì vẫn khó khăn.
Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, tính cả tiền lương vào giá và tiến tới tính đủ, BV công sẽ không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí mà phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. Thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, ngoại trừ những BV tốt, có nguồn bệnh đông, còn phần lớn các BV yếu kém về cơ sở vật chất, chuyên môn, chưa thu hút được người bệnh thì khả năng tự chủ sẽ là thách thức lớn!
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho rằng những BV tuyến quận, huyện có lượt khám chữa bệnh thấp, thu nhập ít rất dễ rơi vào khủng hoảng, không đủ lương trả cho đội ngũ y, bác sĩ nếu tham gia lộ trình tự chủ. Do đó, về chuyên môn, ngành y tế phải tập trung nguồn nhân lực để cố gắng vực lên các BV nhỏ, hỗ trợ phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh về các BV này. Đồng thời, đề nghị Sở Tài chính có biện pháp hỗ trợ cho các BV có lượng bệnh nhân thấp trong một năm đầu để trả lương và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất!
TƯỜNG LÂM