(SGGP).- Tại hội thảo “Đánh giá 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp” vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù đã ra đời và tồn tại hơn 10 năm nhưng Luật Cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Ông Phùng Văn Thành, Phó phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho biết điều này thể hiện rõ nhất là cho đến nay chỉ có 300 đơn thư khiếu nại về những hành vi hạn chế cạnh tranh. Cơ quan chức năng đã ra quyết định điều tra hơn 132 trường hợp và xử lý 123 vụ việc. Trong đó, hành vi thỏa thuận cạnh tranh đã điều tra và xử lý 78 vụ việc, hành vi tham vấn tập trung kinh tế 54 vụ việc. Mức xử phạt tùy theo mỗi hành vi cũng rất khác nhau. Trong đó, mức phạt tiền nặng nhất lên đến 10% trên tổng doanh thu của một năm tài chính. Còn hành vi ngăn cản kìm hãm, loại bỏ doanh nghiệp ra khỏi thị trường, thông thầu bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Phùng Văn Thành thừa nhận, việc tiếp nhận và xử lý vụ việc liên quan đến cạnh tranh khá phức tạp, do hiện có đến hai cơ quan cùng có chức năng thực thi luật cạnh tranh. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh có chức năng hoạt động điều tra và xử lý một phần vụ việc vi phạm luật cạnh tranh. Còn Hội đồng cạnh tranh có chức năng xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh sau khi bị cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra. Ông Trần Võ Quốc Sơn, Giám đốc Tư vấn luật và pháp lý Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, nhấn mạnh thêm rằng không chỉ có 2 cơ quan chức năng cùng thực thi Luật Cạnh tranh, mà còn có nhiều cơ quan chức năng khác can thiệp về quản lý cạnh tranh, như cơ quan hải quan, quản lý thị trường, sở hữu trí tuệ… Điều này dẫn đến sự đùn đẩy hoặc chồng chéo trong trách nhiệm. Do đó, để Luật Cạnh tranh có thể đi sâu vào cuộc sống và doanh nghiệp có thể vận dụng dễ dàng, cần thiết giao về một đơn vị nhất quán, độc lập, có uy tín. Đơn vị này có chức năng tham gia hòa giải hoặc tham vấn cho doanh nghiệp có vướng mắc về Luật cạnh tranh. Trường hợp doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận thì cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng hoặc xử lý thông qua tòa án kinh tế.
ÁI VÂN