Doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong

Ngày 24-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Các DNNN đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Tuy nhiên, hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối. Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Tại hội nghị, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, một số nhiệm vụ quan trọng mang tính chất dẫn dắt mở đường, mang tính chất quốc gia. Đó cũng là áp lực để DNNN hoàn thành nhiệm vụ. Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp tăng tính chủ động trong công tác đầu tư đối với DNNN, xem DNNN có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong cơ chế thị trường. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cũng đề nghị cần giao quyền nhiều hơn cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tạo điều kiện cho DNNN phát triển, tránh tình trạng khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi lập dự án đầu tư trình lên thì ủy ban phải xin ý kiến nhiều bộ ngành, “mất rất nhiều thời gian”. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước đơn giản hóa thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư. Ủy ban cũng mong muốn quyết tâm phân cấp mạnh mẽ cho các tập đoàn tổng công ty, đây là yếu tố quan trọng tháo gỡ nhiều nút thắt giúp doanh nghiệp chủ động…

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của DNNN và nêu rõ, năm 2021, đất nước gặp khó khăn vì đại dịch, DNNN đóng góp ngân sách chiếm 25%, DNNN còn làm sứ mệnh của mình ở các lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, FDI không làm hoặc triển khai khó khăn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nhiều điểm chưa đạt được tương xứng với nguồn lực sẵn có, có thể lớn mạnh hơn nữa nhưng chưa lớn mạnh. 5 năm vừa qua không có công trình lớn nào do DNNN đầu tư, đây là “trăn trở rất sâu sắc”.

Thủ tướng nhấn mạnh sắp tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi, do đó cần xác định tinh thần này, đoàn kết vượt qua thách thức. DNNN đóng vai trò chủ đạo trong những thời điểm này, khó khăn thách thức này DNNN cũng phải gánh vác; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các DNNN phải góp phần đảm bảo các cân đối lớn một cách nhạy bén linh hoạt, không sản xuất manh mún, chia cắt mà phải bài bản, ổn định. DNNN phải đóng vai trò tiên phong dẫn dắt trong đổi mới khoa học - công nghệ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức trong kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Những gì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa làm hoặc còn khó khăn thì DNNN phải “xông pha”; đóng góp tốt hơn cho ngân sách nhà nước.

Thủ tướng đồng tình với các giải pháp được Bộ KH-ĐT đưa ra, đồng thời nhấn mạnh phải chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp. Môi trường cho doanh nghiệp phát triển phải lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, hiệu quả và không tham nhũng, phù hợp nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của DNNN trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, từ đó có quyết tâm cao hơn, để doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh của mình; tập trung tháo gỡ thể chế cơ chế chính sách theo chuẩn mực quốc tế; tăng cường phân cấp phân quyền mạnh mẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ, chủ động của doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ, bộ ngành địa phương phải có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ thực hiện có tính toán tới nguồn lực của doanh nghiệp. Cần mạnh dạn, nhanh chóng thực hiện các dự án trọng điểm như dự án cao tốc, cảng biển, nhà máy… thời gian tới; giao DNNN đầu tư hạ tầng gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số… nhưng không đầu tư dàn trải ra ngoài lĩnh vực của mình; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục