Doanh nghiệp phải dừng sản xuất nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Tính đến chiều 13-7, TPHCM có 15/16 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) và Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã bị dịch Covid-19 tấn công. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giao hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. 
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại in Minh Mẫn, KCN Tân Bình, thắt chặt công tác phòng dịch Covid-19
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại in Minh Mẫn, KCN Tân Bình, thắt chặt công tác phòng dịch Covid-19

Không ít băn khoăn

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các KCX-KCN TPHCM (HBA), cho biết, diễn biến phức tạp nhất là tại KCX Tân Thuận khi đã có 29/250 DN đóng cửa. KCX Linh Trung 1 cũng đã có một số DN ngưng hoạt động với hàng chục ngàn công nhân nghỉ việc. Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, tuy không nằm trong KCN nhưng đã cho nghỉ việc 56.000 công nhân để xử lý dịch bệnh... 

Do lo ngại đơn hàng xuất khẩu sẽ trễ hạn theo hợp đồng, nhiều DN đang đàm phán với đối tác để lùi thời gian giao hàng vì lý do bất khả kháng. Đồng thời, các DN kiến nghị, thay vì đóng cửa toàn bộ nhà máy, chỉ nên đóng cửa phân xưởng nào có công nhân là F0 và nhanh chóng khoanh vùng, cách ly ca F1. 

Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý KCX - KCN TPHCM, nhận định, điều đó sẽ dẫn đến những rủi ro lớn hơn cho toàn bộ DN đang hoạt động trong KCX-KCN và SHTP. Thực tế, công nhân không chỉ di chuyển trong phân xưởng làm việc mà có những thời điểm tiếp xúc tập trung như vào ca, tan ca và ăn giữa ca. Chưa kể, nhiều nhà máy sản xuất sử dụng hệ thống điều hòa không khí trung tâm, khiến dịch bệnh dễ lây lan khắp nơi nếu có ca F0. Do đó, nhất thiết khoanh vùng diện rộng trong toàn bộ nhà máy, từ đó khoanh vùng diện hẹp từng phân xưởng và dập dịch. 

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, việc đóng cửa tạm thời DN để xét nghiệm nhanh nhằm khoanh vùng, dập dịch Covid-19 có thể gây ra những gián đoạn nhất định trong hoạt động sản xuất, nhưng nếu nói đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì không hoàn toàn chính xác. Bởi dịch bệnh đã xuất hiện hơn 18 tháng, nên đến nay, hầu hết các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và DN nước ta nói riêng đều đã có kế hoạch dự phòng. Ví dụ như tăng lượng hàng tồn kho để không gián đoạn sản xuất. Thậm chí, trong nhiều hợp đồng ký kết, các DN đã thay điều khoản giao hàng đúng hẹn sang giao hàng có phòng ngừa tình huống rủi ro hoặc thời gian cho phép giao hàng trễ hơn dự kiến. 

Hy sinh lợi ích ngắn hạn

Việc đóng cửa hoàn toàn DN là trường hợp bất khả kháng buộc phải chấp nhận để giữ được “thế trận chung” cho tất cả DN đang sản xuất còn lại. Thống kê từ các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, TPHCM có khoảng 500/1.500 DN đang tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam vào đầu năm 2020, Chính phủ và các cơ quan chức năng, địa phương đã thực hiện rất tốt giải pháp phòng bệnh, dập dịch, duy trì ổn định sản xuất. Điều này cũng đã lý giải việc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu nhưng ở Việt Nam, đơn hàng xuất khẩu vẫn dồi dào.

Doanh nghiệp phải dừng sản xuất nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch ảnh 1 Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại in Minh Mẫn, KCN Tân Bình đảm bảo 5K để phòng dịch Covid-19

Tính chung trong năm 2020 và quý 1-2021 (thời điểm trước khi biến chủng Delta xuất hiện), tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì 3 - 5%; kim ngạch xuất khẩu vẫn đà tăng trưởng dương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Do đó, trong thời gian tới, để đảm bảo ổn định sản xuất, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, mỗi nhà máy phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để chủ động phòng chống dịch bệnh như phân ca, giãn cách công nhân trong hệ thống dây chuyền sản xuất, sử dụng quạt thông gió thay cho hệ thống điều hòa trung tâm...

Các DN bố trí, mở rộng khu lưu trú để công nhân ở lại làm việc. Trường hợp không có khu lưu trú thì xây dựng mô hình ăn ở, sản xuất tại nhà máy. Những quận huyện có lượng nhà trọ tập trung gần khu sản xuất nhiều thì DN nên hợp tác với chủ nhà trọ để bố trí công nhân thuê ở gần nhà máy - vừa thuận tiện đi lại vừa phòng ngừa lây lan dịch bệnh từ ngoài vào nhà máy.

Ngày 13-7, UBND TPHCM có chỉ đạo khẩn về việc dừng hoạt động của DN trên địa bàn TPHCM nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND TPHCM cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các DN khi đảm bảo một trong 2 trường hợp.

Một là DN đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Hai là DN đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: Chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân, có thể chọn ký túc xã, khách sạn, chỗ ở tập trung…

Sở Y tế được giao chủ trì thẩm định các DN đảm bảo các điều kiện nêu trên, thực hiện xét nghiệm với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí do DN tự chi trả.

Chỉ đạo này của UBND TPHCM đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 là công nhân ở các DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp, SHTP liên tục được phát hiện, dẫn đến nguy cơ cao về lây nhiễm giữa nơi sản xuất và nơi ở.

Ái Vân - MAI HOA

Tin cùng chuyên mục