Doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các hành vi phiền nhiễu

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 ở mức khiêm tốn, chậm lại so với 2018, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

- Phóng viên: Trên cơ sở những thành tựu đạt được năm 2018, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6%-6,8%. Theo Bộ trưởng, đâu là động lực tăng trưởng trong năm 2019? Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam cần phải làm gì?

* Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Năm 2019 là thời điểm mà chúng ta phải tăng tốc để về đích, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm, từ đó xây dựng nền tảng cơ sở cho 10 năm tới. Đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “năm 2019 phải hơn năm 2018”, Bộ KH-ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019. Nghị quyết là một văn kiện thể hiện toàn diện các giải pháp cần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch năm 2019 với phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Các chính sách được ban hành hướng đến việc nâng cao năng lực nội tại, củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Bên cạnh đó là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thông qua việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật; chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tất nhiên, không thể quên nhiệm vụ phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Tôi đặt nhiều hy vọng vào khu vực kinh tế tư nhân như một động lực tăng trưởng quan trọng. Để phát huy tốt nhất tiềm năng của khu vực này, dĩ nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản phải tháo gỡ, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực, vận hành cuộc chơi một cách công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường. Đổi mới về khoa học công nghệ - đây là nhu cầu bức thiết với nền kinh tế, không phải đến bây giờ mới xác định được vấn đề này, nhưng cần có quyết sách hành động mạnh mẽ, nhanh chóng, cụ thể hơn, để ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, bằng mọi cách, phải nâng cao năng lực của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội mà hội nhập mang lại.

- Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 139 về cắt giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông kỳ vọng như thế nào về tác động của nghị quyết này?

* Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH-ĐT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Nghị quyết 139. Đây là một hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động cải cách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Các giải pháp chính sách trong Nghị quyết 139 bổ sung cho các giải pháp Chính phủ đã ban hành trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và nhiều văn bản chính sách khác. Tôi tin tưởng rằng việc thực hiện Nghị quyết 139 sẽ giúp doanh nghiệp có một môi trường pháp lý thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội được bảo vệ tốt hơn trước các hành vi phiền nhiễu, vô cảm của một bộ phận cá nhân thi hành pháp luật.

- Cho đến bây giờ vẫn còn những ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò của khối doanh nghiệp FDI… Năm 2018, vốn đăng ký FDI giảm, vốn giải ngân tăng, nên nhìn nhận tình hình như thế nào, thưa bộ trưởng?

* Trong thu hút đầu tư, con số giải ngân thực tế luôn có ý nghĩa nhiều hơn. Đó là nguồn lực vật chất chảy vào nền kinh tế, bổ sung năng lực sản xuất, kinh doanh mới, đóng góp cho tăng trưởng. Việc vốn giải ngân tăng có thể xem là dấu hiệu cho thấy các vướng mắc, rào cản của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã được tháo gỡ nhiều, niềm tin của doanh nghiệp được củng cố nên họ mới đầu tư tiền thực sự.

Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tất nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định về tính liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất; tỷ lệ nội địa hóa; mức độ chuyển giao công nghệ; tình trạng một số doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực… nhưng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là định hướng, kiểm tra, đấu tranh với những hành vi tiêu cực.

- Bộ trưởng có thể cho biết định hướng thu hút FDI trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào những dự án và đối tác nào?

* Sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đang ở vào thời điểm tốt để điều chỉnh chiến lược trong thu hút đầu tư. Với nhiều lợi thế so sánh, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Cùng với đó, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, từ các nước sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là lúc chúng ta có quyền sàng lọc đầu tư nước ngoài, lựa chọn công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, không ảnh hưởng đến môi trường, thông qua những rào cản kỹ thuật hợp lý, được thế giới chấp nhận. Đối với các địa phương, nếu có khả năng thu hút đầu tư cao hơn, điều kiện tốt hơn như Hà Nội, TPHCM thì không nên thu hút những dự án sử dụng nhiều lao động nữa. Các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì vẫn có thể thu hút những dự án thế mạnh như dệt may, da giày... nhưng phải chú ý yêu cầu bảo vệ môi trường… 

Tin cùng chuyên mục