Doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng - Cần quyết sách của nhà nước

Từ năm 2003 đến nay, TPHCM đã tiến hành kiểm toán năng lượng nhằm tìm kiếm giải pháp TKNL cho 400-600 doanh nghiệp được đánh giá là có mức tiêu hao nhiên liệu lớn. Đây là con số không lớn so với hàng chục ngàn doanh nghiệp đang kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố.

Có lẽ chính vì điều này mà theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, mức tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp tại TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam nói chung vẫn khá lớn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Ngay như với Thái Lan, quốc gia kế cạnh Việt Nam, mức tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất của Việt Nam cũng gấp khoảng 1,5 lần. Còn so với nước Nhật, một trong những quốc gia có mức tiêu thụ nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp thấp nhất thế giới, mức tiêu hao nhiên liệu của Việt Nam cao gấp 2-3 lần. 

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM, cho rằng không quá khó để tìm ra nguyên nhân của vấn đề này. Về nguyên tắc doanh nghiệp nào cũng muốn TKNL để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, mong muốn ấy không phải lúc nào cũng thực hiện được bởi để TKNL đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức, thông tin và quan trọng hơn cả là khả năng tài chính để đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Minh Tân cho biết, TPHCM có chủ trương và có cả quỹ hỗ tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ nhưng thủ tục tiếp cập nguồn vốn này khá phức tạp nên không có nhiều doanh nghiệp đến với quỹ. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài khó khăn về vốn, trở ngại lớn nhất là kiến thức và thông tin để tiếp cận với các công nghệ, thiết bị hiện đại TKNL.

Thế nhưng, những cơ quan có khả năng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội dung này lại không có nhiều hoặc nếu có thì phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không có đủ kinh phí để chi trả cho các tư vấn này. 

 Cũng không hẳn tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn đổi mới công nghệ, thiết bị để TKNL. Theo ông Lê Anh Tuấn, có không ít doanh nghiệp chấp nhận mua thiết bị cũ, đã hết khấu hao về để sản xuất, như là một cách tiết kiệm chi phí. Điều này có thể có lợi cho doanh nghiệp nhưng ở góc độ chung của toàn xã hội thì không. Nhà nước sẽ tốn thêm chi phí để sản xuất ra điện hoặc mua xăng, dầu cho các doanh nghiệp này hoạt động và việc sử dụng nhiều nhiên liệu chỉ làm tăng khí phát thải mà thôi. 

Như vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì việc TKNL trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn vào các quyết sách của Nhà nước. Theo ông Lê Anh Tuấn, các quyết sách ấy là hỗ trợ thông tin, kiến thức và tài chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt Nhà nước phải có các quy định về mua, bán, nhập khẩu thiết bị, công nghệ theo hướng cương quyết không cho nhập khẩu thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhiên liệu để ngăn chặn những doanh nghiệp cố tình nhập thiết bị cũ và để giúp cho những doanh nghiệp không thuộc đối tượng này có thêm thông tin để tránh mua lầm phải các thiết bị cũ.

SƠN LAM

Tin cùng chuyên mục