Mô hình kết hợp đào tạo sinh viên với các trường đại học (ĐH) để chủ động nguồn nhân lực đã được nhiều doanh nghiệp CNTT nước ngoài như Intel, Microsoft, IBM, Oracle, Cisco… thực hiện từ nhiều năm nay.
Tại Việt Nam, nhiều tập đoàn CNTT như Viettel, FPT hay VTC đã chủ động đầu tư lập trường ĐH hay hợp tác liên kết để đầu tư, mở khóa đào tạo riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói trên cần thêm vài năm nữa mới có thể “hái” quả ngọt từ các chương trình đào tạo.
Không đứng ngoài tầm nhìn đầu tư cho nhân sự là đầu tư nền tảng cho sự phát triển, Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc nhân sự Công ty VNG cho biết: “Năm 2011, VNG quyết định đầu tư gần 7 tỷ đồng các hoạt động tuyển dụng, đào tạo nội bộ và bên ngoài VNG. Đối tượng chính mà VNG hướng tới chính là các sinh viên CNTT, thiết kế đồ họa cùng nhiều ngành khác. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng đầu tư cho nhân sự sẽ tạo nên sự phát triển bền vững đối với doanh nghiệp và đây sẽ là tài sản quý mà VNG đang có”.
Với chiến lược này, VNG đã tổ chức chương trình VNG tour; ngày hội ICD 2011; hội thảo sinh viên AIESCE… với mục đích tìm kiếm và tuyển dụng những tài năng CNTT giỏi tại các trường ĐH. Chỉ riêng trong năm 2011, VNG dự định tuyển dụng khoảng 500 nhân sự CNTT và ngành khác bổ sung cho lực lượng gần 1.400 người của mình. Vào đầu tháng 6 tới đây, chương trình đào tạo nhân sự quan trọng nhất của VNG mang tên VNG Fresher sẽ được triển khai với 16 sinh viên đến từ ĐH Bách khoa, Công nghệ Thông tin và ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM.
Được tham gia vào VNG Fresher cũng đồng nghĩa với việc 80% các sinh viên trên có cơ hội được làm việc tại VNG với mức lương khá cao. Qua 3 năm đào tạo với 4 đợt tuyển chọn, VNG Fresher đã tuyển chọn được 48 sinh viên trong tổng số gần 1.000 sinh viên tham gia ứng tuyển…
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp CNTT trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử và viễn thông; trong đó có 217.000 người trình độ CĐ, ĐH và 194.000 người trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần khoảng 15.000 người có trình độ CĐ và ĐH trở lên về CNTT để tham gia triển khai các dự án ứng dụng CNTT.
Còn theo sách trắng về CNTT - truyền thông năm 2010, cả nước hiện có 271 cơ sở đào tạo về CNTT với quy mô đào tạo 50.000 chỉ tiêu trong năm học 2008 - 2009 và 56.000 chỉ tiêu trong năm học 2009 - 2010. Với quy mô đào tạo tăng trung bình gần 10% hiện nay, Bộ Thông tin - Truyền thông dự báo nhiều khả năng, ngành CNTT sẽ thiếu nhân lực trong vài năm tới nếu không có sự tăng trưởng đột phá của các cơ sở đào tạo. Với những dự báo nói trên, việc các doanh nghiệp như FPT, VTC hay VNG… tập trung nguồn lực cho đào tạo nhân sự là việc cần thiết.
BÁ TÂN