Không còn ta thán nhiều sau khi đón nhận quyết định giá điện tăng, hầu hết doanh nghiệp (DN) đang tính toán đưa ra các giải pháp tối ưu nhằm tiết giảm chi phí, cải tổ quy trình sản xuất kinh doanh để giảm thiểu tác động. Dưới đây là ý kiến của lãnh đạo các DN chia sẻ về những kinh nghiệm cũng như “chiến lược” ứng phó trước giá điện tăng thêm 5%, từ ngày 1-7.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Liksin Nguyễn Ngọc Sang: Tiếp tục thắt lưng buộc bụng
Với tình hình kinh tế hiện nay, khi lượng hàng hóa tồn kho lớn, kể cả giảm giá cũng khó tiêu thụ thì việc tăng giá điện trở thành gánh nặng của DN. Đặc thù ngành bao bì lại phụ thuộc vào sản phẩm đầu ra của các DN sản xuất kinh doanh như chế biến lương thực, thực phẩm… càng trở nên khó khăn. Do đó, theo quan điểm của tôi không nên tăng giá điện vào lúc này, mà nên đợi khoảng một thời gian nữa khi tình hình kinh tế phục hồi, ổn định trở lại thì tăng giá sẽ ít tác động hơn. Bởi thực tế, hiện nay các nguyên liệu đầu vào chúng ta chưa chủ động được, đa phần phải nhập khẩu, từ giấy, nhựa đến hóa chất… nên việc tăng giá điện sẽ tác động dây chuyền. Mặt khác, việc Bộ Công thương quyết định cho tăng giá điện lần này khá bất ngờ, buộc các DN vào thế đã rồi nên không còn sự lựa chọn.
Để ứng phó trước mỗi lần tăng giá điện chúng tôi đã sử dụng hầu hết các giải pháp từ tiết kiệm điện, đổi mới công nghệ sản xuất để tiết giảm chi phí, gia tăng năng suất… Nhưng việc đổi mới trang thiết bị dây chuyền sản xuất không thể một sớm một chiều, trong khi khu nhập CB-CNV không thể giảm. Do đó, trước việc tăng giá điện lần này chúng tôi kêu gọi, quán triệt từ cấp lãnh đạo tổng công ty đến toàn thể CB-CNV tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Trong đó, rà soát và tiết giảm tối đa các khâu sản xuất còn lãng phí; khuyến khích, khen thưởng những cá nhân, tập thể có những sáng kiến trong tiết kiệm điện và cải tiến kỹ thuật sản xuất đạt năng suất cao.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí ô tô Sài Gòn (Samco) Nguyễn Hồng Anh: Tinh gọn các khâu sản xuất kinh doanh
Về việc điều chỉnh tăng giá điện thêm 5%, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho rằng tác động không đáng kể đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân là không thỏa đáng. Đối với DN sản xuất kinh doanh bị tác động 5% là con số không nhỏ, đặc biệt trong thời điểm tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Chưa kể, việc tăng giá điện quá bất ngờ, lại rơi vào thời điểm “nhạy cảm” nên càng gây khó khăn cho DN, trong khi giá sản phẩm, dịch vụ đầu ra không thể tăng vào thời điểm hiện nay, khi mà CPI đang ở ngưỡng âm. Để ứng phó trước việc tăng giá điện dẫn đến nguy cơ nguyên liệu đầu vào có thể tăng theo, giải pháp đưa ra trước mắt và căn cơ hiện nay của Samco là tiết giảm tối đa chi phí, tinh gọn sản xuất. Thực tế, giải pháp này Samco duy trì thường xuyên trong toàn cơ quan, nhưng cứ sau mỗi lần tăng giá điện lại phải tiếp tục siết lại.
Trong đó, chú trọng rà soát các khâu để sản xuất tinh gọn, tính toán lại các dây chuyền một cách hợp lý nhất và xem xét, cân đối lại các chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là đơn hàng. Bởi do tác động của việc tăng giá điện sẽ dẫn đến việc tăng giá đầu vào nguyên liệu và đơn hàng giảm khi đối tác không tiêu thụ được sản phẩm, tình tình sẽ trở nên căng thẳng.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn (CNS) Nguyễn Văn Thọ: Chưa tăng giá sản phẩm
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định điều chỉnh tăng giá điện thêm 5%, thậm chí ở mức cao hơn trong tương lai chúng tôi không có ý kiến. Dẫu sao giá điện hiện nay vẫn do Chính phủ quản lý điều hành, do đó việc tăng giá điện chắc đã có tính toán. Tuy nhiên, việc tăng giá điện cần có lộ trình và thông báo rộng rãi để DN có thời gian chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh. Việc tăng giá điện lần này, mới hôm trước Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng còn phát biểu trên báo chí là đang xem xét, thì hôm sau đã ký quyết định điều chỉnh tăng khiến DN khó xoay xở kịp.
Khi giá điện tăng, chắc chắn các nguyên liệu đầu vào cũng sẽ “ăn theo”, nhưng đối với CNS, hiện chưa có kế hoạch tăng giá, tối thiểu là hết năm nay do kế hoạch dự trữ nguyên liệu đã được thực hiện dài hạn. Thực tế chúng tôi dự đoán được giá điện sẽ tăng, đặc biệt khi nhìn vào tình hình cơ cấu giá thành điện trong nước. Mặt khác, việc tăng giá điện là việc của EVN. Do nhận thức được điều đó, thời gian qua CNS đã chủ động tìm nguồn vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại để tạo ra năng suất, giá trị gia tăng cao; đồng thời tiết giảm chi phí và thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng xanh.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương): Nảy thêm khó khăn mới
DN sản xuất, xuất khẩu trong nước đang chịu nhiều áp lực kinh tế cả trong và ngoài nước. Chi phí đầu vào sản xuất tăng cao trong khi đơn hàng xuất khẩu đang giảm mạnh, đã dồn DN vào chỗ đuối sức. Ngay thời điểm này, đáng lẽ DN cần nhận được sự hỗ trợ để dễ thở hơn thì không hiểu sao ngành điện lại bất ngờ tăng giá vào lúc này. DN chấp nhận việc tăng giá điện theo điều tiết thị trường nhưng vào thời điểm hiện nay là không nên, e rằng DN không còn đủ sức để cầm cự.
Với ngành giày, liên tục trong những tháng gần đây, đơn hàng giảm mạnh. DN đã cố gắng hết sức, chấp nhận không có lợi nhuận để cầm chừng sản xuất, có việc để cho công nhân làm việc. Với giá điện tăng mới này, xưởng sản xuất có khoảng 1.000 lao động thì chi phí tiền điện tăng thêm 50 triệu đồng/tháng. Đâu chỉ có giá điện tăng, chắc chắn sẽ kéo theo nhiều chi phí vật tư khác cũng tăng giá. Trong khi, dù giá xăng dầu có điều chỉnh giảm xuống nhưng hiện nay cước vận chuyển vẫn không chịu giảm. Các chính sách chung về miễn, giảm thuế được nhà nước nhắc đến nhưng nếu triển khai áp dụng thì phải đến cuối năm. Trong khi các chính sách hỗ trợ chưa thấy đâu thì đã nảy sinh khó khăn mới cho DN.
LẠC PHONG – MỸ HẠNH