Doanh nghiệp vẫn bị hành

“Thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước là cử người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp (DN) nhưng lại thiếu thiện chí trao đổi, thiếu sự lắng nghe, nên nhiều vướng mắc của DN không đến được những vị có thẩm quyền của các bộ, ngành để có hướng tháo gỡ”. Nhiều DN thủy sản đã bức xúc phản ánh như trên tại các hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2015 vừa diễn ra tại TPHCM...
Doanh nghiệp vẫn bị hành

“Thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước là cử người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp (DN) nhưng lại thiếu thiện chí trao đổi, thiếu sự lắng nghe, nên nhiều vướng mắc của DN không đến được những vị có thẩm quyền của các bộ, ngành để có hướng tháo gỡ”. Nhiều DN thủy sản đã bức xúc phản ánh như trên tại các hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2015 vừa diễn ra tại TPHCM...

Vướng mắc chồng vướng mắc

Vào tháng 11-2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành Thông tư số 48/2013 quy định về việc kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản xuất khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 26-12-2013. Ngay khi Thông tư 48 được ban hành, các DN nhận thấy có những quy định không hợp lý, gây khó khăn, cản trở xuất khẩu nên Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)  đã tập hợp kiến nghị gửi đến Bộ NN-PTNT cùng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad). Sau đó, Nafiqad đã có công văn 1738 ngày 29-6-2015 để hồi đáp. Theo các DN, họ đã đọc kỹ và thấy rằng một số giải thích của Nafiqad trong công văn 1738 “chưa có sự gặp nhau” để hài hòa giải quyết vướng mắc giữa thực tế sản xuất, xuất khẩu của DN với những quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Chẳng hạn, Nafiqad quy định nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu vào thị trường EU phải  được “khai thác, vận chuyển bởi tàu cá có EU code” hoặc “được kiểm tra chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu đáp ứng yêu cầu tương đương quy định của EU”, trong khi các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về kiểm soát ATTP thủy sản hiện hành đều không có quy định nào như trên và yêu cầu DN thực hiện. DN kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo rà soát và bãi bỏ quy định này.

Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại doanh nghiệp trong VASEP. Ảnh: CAO THĂNG

Một vấn đề khác, Thông tư 48 quy định “kiểm tra định kỳ là hình thức kiểm tra không báo trước”, rồi lại quy định DN phải “bố trí người có thẩm quyền đại diện để làm việc với đoàn kiểm tra, thẩm định tại cơ sở”. DN thấy rất bất hợp lý, bởi kiểm tra định kỳ là “nhằm giám sát việc duy trì điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP” mà lại không khác với hình thức kiểm tra đột xuất (cũng không báo trước) dùng để “áp dụng đối với cơ sở có các dấu hiệu vi phạm về ATTP” (đều nằm trong Điều 12 của Thông tư 48). Việc kiểm tra định kỳ không báo trước này đã khiến một số lãnh đạo DN phải bỏ ngang chuyến công tác tiếp xúc đối tác quan trọng để về đáp ứng yêu cầu “đúng người” làm việc với đoàn kiểm tra, trong khi cơ sở sản xuất của họ không hề có dấu hiệu vi phạm về ATTP.

Đó chỉ là 2 trong số hơn 10 vướng mắc còn tồn tại mà DN kiến nghị và mong muốn được Bộ NN-PTNT giải quyết thỏa đáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN làm ăn chân chính. Vậy nhưng, những kiến nghị này đã được giải quyết như thế nào?

Khi không được lắng nghe

Để thuận tiện cho Bộ NN-PTNT và Nafiqad xem lại những vấn đề DN kiến nghị, Vasep đã tổng hợp thành tập tài liệu, nêu lại từng vướng mắc, đối chiếu các quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên, tất cả đã thất vọng khi nghe đại diện Nafiqad phát biểu: “Chúng tôi hết sức thông cảm với các DN. Nếu tôi là DN thì lúc nào cũng muốn chi phí thấp nhất có thể, để đem lại lợi nhuận cao nhất. Thế nhưng, mong muốn là mong muốn, không thể có “ngon - bổ - rẻ” được. Chúng ta phải xác định điểm nào hài hòa nhất giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được. Để xác định thì phải có nguyên tắc, nguyên tắc từ cơ quan quản lý nhà nước, từ DN… Đối với các nội dung kiến nghị mà VASEP nêu ra, thật ra không mới, chúng tôi đã nghe rất nhiều lần. Chúng tôi đã có văn bản 1738 trả lời cụ thể từng điểm một của VASEP, tất cả những trả lời đảm bảo đúng nguyên tắc”.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: THÁI BẰNG

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện Công ty Highland Dragon, đã thốt lên: “Quá thất vọng về thái độ ứng xử của đại diện Nafiqad!”. Các DN đã đọc rất kỹ nội dung công văn 1738 và cẩn thận rà soát lại những tham chiếu mà Nafiqad nêu ra trong công văn, trước khi tiếp tục kiến nghị. Các DN mong mỏi sự hiện diện của các cơ quan quản lý nhà nước để đối thoại thẳng thắn, mang đến kết quả tốt nhất cho DN và cho cả nền kinh tế nói chung, chứ không phải thái độ thiếu tôn trọng. Các DN cũng cho rằng, chúng ta đã hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, muốn tận dụng những lợi thế, nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là cần thiết. Song, có những quy định do chưa được nhìn toàn diện với thực tế, nên gây ra những vướng mắc cho DN trong quá trình thực hiện.

Theo bà Dương Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước là người trực tiếp làm việc với DN đã không phản ánh những vướng mắc của DN lên cấp cao nhất. Vì vậy, bà kiến nghị các bộ, cục nên cử người có trách nhiệm, có thái độ biết lắng nghe và trao đổi đúng đắn khi đến dự các buổi gặp gỡ DN.

Trước đó, tại hội thảo “Cơ hội cho ngành thủy sản khi gia nhập FTA”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự VASEP, cũng băn khoăn về việc trong khi trách nhiệm quản lý ATTP hiện giao đến 3 bộ (Công thương, NN-PTNT, Y tế), thế nhưng đến dự hội thảo lắng nghe DN lại không phải là lãnh đạo các bộ, mà là những người đại diện, thì liệu những phản ánh có đến được những người làm chính sách?

VÂN KHÁNH

Tin cùng chuyên mục