Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Teo tóp vì thiếu sức cạnh tranh

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Teo tóp vì thiếu sức cạnh tranh

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng góp hơn 40% GDP của cả nước nhưng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tỷ lệ đóng góp trên có nguy cơ bị thay đổi theo hướng bị giảm xuống. Nguyên nhân là do khu vực doanh nghiệp này đang bị teo tóp thị phần, thu hẹp sản xuất, thậm chí là phá sản, đóng cửa. Điều đáng nói những giải pháp nhằm hỗ trợ DNVVN cho đến nay đã có nhưng lại không sát thực tế nhu cầu của doanh nghiệp.

Đuối sức

Phân tích cơ cấu doanh nghiệp nước ta, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DNVVN, cho biết, có đến hơn 95% doanh nghiệp nước ta là DNVVN. Nếu tính cả 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, làng nghề, 10 triệu hộ nông dân và gần 140.000 hợp tác xã, trang trại thì lực lượng doanh nghiệp này hết sức đông đảo. Các DNVVN có mặt hầu hết các lĩnh vực, ngành, hàng của nền kinh tế như bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo… kể cả một số lĩnh vực vốn là lãnh địa độc quyền của khu vực doanh nghiệp nhà nước như điện, gas, cung cấp nước, khí đốt, khai khoáng, thông tin, truyền thông… Các hoạt động dịch vụ công như giáo dục, y tế và các ngành khác cũng có khoảng 5% DNVVN đang hoạt động. Tính cho đến nay, khu vực DNVVN đã đóng góp hơn 40% GDP và 61% việc làm, 31% xuất khẩu và gần 30% thu nộp ngân sách, thu hút 38% vốn đầu tư xã hội. Tỷ lệ doanh thu trên vốn đo lường năng suất, hiệu quả của khu vực DNVVN bình quân bằng 0,7 lần so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cao gấp 2,3 lần so với doanh nghiệp nhà nước.

Thế nhưng, trái ngược với số lượng DNVVN đông đảo, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, DNVVN không mạnh và đang hoạt động thiếu tính bền vững. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt vào nước ta. Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo Viện Khoa học và Xã hội, cho biết, thực tế hiện nay cho thấy, DNVVN vốn có quy mô nhỏ bé ngày càng bị teo tóp hơn vì phạm vi hoạt động ngày càng bị thu hẹp. Thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, phần lớn các DNVVN đang có xu hướng giảm từ 79 lao động xuống còn 32 lao động/doanh nghiệp. Riêng với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, gần 50% cơ sở chỉ có 1 lao động. Số cơ sở còn lại cũng chỉ dao động trong khoảng từ 2-4 lao động. Không những kém về quy mô sản xuất, DNVVN còn rất yếu trong tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm và có tính kết nối thị trường. Hầu hết các DNVVN tập trung trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhỏ. Còn trong lĩnh vực chế tạo - vốn là lĩnh vực có mức độ gắn kết cao với thị trường quốc tế thì có tỷ trọng không cao. Không những thế, các doanh nghiệp không có mức độ liên kết chặt với các khu vực khác của nền kinh tế.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất nỗ lực vượt qua các khó khăn để phát triển sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Hỗ trợ cần sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Lý giải thực tế trên, ông Tô Hoài Nam cho rằng, hiện chính sách hỗ trợ DNVVN rất nhiều. Cụ thể, nước ta đang có 14 chương trình hỗ trợ quản lý thông tin, 15 chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ, 8 chương trình hỗ trợ về thuế và tài chính. Ngoài ra, còn có những quỹ hỗ trợ vốn cho DNVVN. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng chỉ mới quan tâm đến việc thiết kế chính sách hỗ trợ mà chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ. Mặt khác, các chính sách chỉ hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp mà chưa hướng tới bảo vệ doanh nghiệp. Việc thiết kế các chính sách không chi tiết tạo kẽ hở cho tùy tiện trong thực hiện chính sách. Đặc biệt, cho đến nay, Việt Nam chưa hề có đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ DNVVN.

Mặt khác, có thể khẳng định khu vực doanh nghiệp nhà nước đều là các doanh nghiệp, tổng công ty lớn được đầu tư nhiều vốn và vẫn chiếm lĩnh thị phần lớn thị trường. Trong khi đó, DNVVN chiếm số đông nhưng lại bị hạn chế về vốn hoạt động, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị kém, khó tiếp cận tín dụng và bảo lãnh vì thủ tục vay quá rườm rà hoặc có thể vay được nhưng lãi suất quá cao. Đã có những thời điểm doanh nghiệp phải vay với lãnh suất lên đến hơn 20%. Đặc biệt, việc được hỗ trợ thông tin, pháp lý và chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ để có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm kiếm, phát triển thị trường hết sức khó khăn… Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, khẳng định, ngay như trường hợp của công ty, để có thể tìm kiếm thông tin phân tích thị trường tiêu thụ sản phẩm nhựa trong nước còn khó hơn thông tin phân tích thị trường của thế giới. Công ty đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ hiệp hội ngành nghề và các cơ quan chức năng liên quan nhưng không dễ để được cung cấp thông tin. Không dừng lại đó, khu vực DNVVN cũng thiếu những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn làm đầu kéo đủ sức lôi cuốn, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển chung. Rất ít DNVVN đủ điều kiện trở thành đối tác tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị. Các ngành vốn có lợi thế cạnh tranh của DNVVN như nông nghiệp, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ gỗ… cũng đang gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu và công nghệ sản xuất ngoại nhập.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện những cơ hội mới cho DNVVN phát triển khi có sự gia tăng hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia với công nghệ tiên phong dẫn dắt chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, nhà nước cần có những thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản về vốn, giảm thiểu rủi ro, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các điều kiện đặc thù khác để thực hiện đổi mới sáng tạo. Qua đó, nhanh chóng vươn lên hấp thụ và làm chủ công nghệ để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, luôn tồn tại những mô hình doanh nghiệp quy mô lớn và nhỏ. Các DNVVN không nhất thiết phải phát triển lên quy mô lớn mà chỉ cần phát triển thị phần ổn định và kết nối chặt chẽ với hệ thống chuỗi cung ứng. Để làm được điều này, đòi hỏi chính sách hỗ trợ và ổn định thị trường phải sát với nhu cầu thực tế của DNVVN.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục