Doanh nghiệp xả thải chui, kênh Ba Bò ô nhiễm nghiêm trọng

UBND TPHCM đánh giá nước ghải công nghiệp trong các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II còn xả trực tiếp vào cống ngầm dẫn đến sự gia tăng đáng kể ô nhiễm cho kênh Ba Bò.
Kênh Ba Bò ô nhiễm nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân
Kênh Ba Bò ô nhiễm nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân

Ngày 7-9, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương bố trí lịch làm việc với UBND TPHCM để trao đổi, phối hợp và thống nhất các giải pháp giải quyết dứt điểm tình hình ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò.

Kênh Ba Bò (quận Thủ Đức, TPHCM) tiếp nhận 3 nguồn thải lớn từ Bình Dương, gồm: nước thải ở 2 KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II và 6 khu dân cư (KDC). Trong 10 năm qua, TPHCM đã đầu tư hơn 740 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò song cho đến nay mùi vẫn cứ hôi và ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra.
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX (diễn ra đầu tháng 7-2017), các cử tri, đại biểu HĐND TPHCM tiếp tục phản ánh ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò, dù TPHCM đã chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các dự án chỉnh trang, cải tạo nhằm xử lý ô nhiễm ở tuyến kênh này.

Sau đó, UBND TP cùng các sở ngành kiểm tra, khảo sát hiện trạng và chất lượng nước kênh Ba Bò. Theo đánh giá của UBND TPHCM, hiện trạng khu vực đã cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2008. Điều này cho thấy các nỗ lực đáng kể của tỉnh Bình Dương trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực kênh Ba Bò như: di dời, cải tạo, chỉnh trang đô thị xung quanh tuyến kênh; cải tạo, gia cố, xây dựng bờ kè dọc các tuyến kênh; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II và giám sát chất lượng nước thải thông qua hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục…

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, chất lượng nước thải từ các KDC và các cơ sở xen cài trong khu vực dân cư (dẫn vào các tuyến thoát nước số 1, 2, 3 rồi đổ xuống kênh Ba Bò) tại một số thời điểm vẫn còn ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Doanh nghiệp xả thải chui, kênh Ba Bò ô nhiễm nghiêm trọng ảnh 1 Nước kênh Ba Bò lúc màu đỏ, khi thì đen và còn nổi bọt, bốc mùi hôi nồng nặc
Đặc biệt, đoàn khảo sát của TPHCM ghi nhận chất lượng nước thải sau xử lý đổ vào tuyến thoát nước số 4 (dẫn nước thải từ KCN với lưu lượng khoảng 14.500m3/ngày đêm, chiếm hơn 80% nước thải đổ vào kênh Ba Bò) có sự chênh lệch rất lớn với số liệu quan trắc.
Cụ thể, đoàn ghi nhận một số chỉ tiêu nước thải như TSS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước), COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) tại một số vị trí cao gấp hơn 9-43 lần so với nồng độ quan trắc được đặt tại vị trí sau hệ thống xử lý tập trung của KCN Sóng Thần I, II.

Ngoài ra, 8/18 thông số quan trắc còn vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.

“Qua các số liệu nêu trên cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu ở kênh Ba Bò là do nước thải công nghiệp trong các KCN chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chúng được xả thải trực tiếp vào tuyến cống số 4 (cống ngầm) dẫn đến sự gia tăng đáng kể ô nhiễm cho kênh Ba Bò”, UBND TPHCM đánh giá.
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng chia sẻ: Toàn bộ nước thải trên tuyến kênh Ba Bò sẽ được đưa vào xử lý theo công nghệ hồ sinh học (Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập nước TPHCM đầu tư với công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm, sắp đưa vào vận hành). Tuy nhiên, công nghệ này chỉ phù hợp xử lý nước thải sinh hoạt, khó có khả năng xử lý ô nhiễm do nước thải công nghiệp.

Vì vậy, UBND TPHCM đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở TN-MT và các sở ngành của tỉnh rà soát lại toàn bộ tuyến thoát nước số 4. Qua đó để có phát hiện hành vi đấu nối, xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào tuyến cống ngầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước của toàn tuyến kênh Ba Bò cũng như an toàn của dự án cải tạo kênh Ba Bo đã được TPHCM đầu tư.

UBND TPHCM còn đề nghị được phía tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Sở TN-MT TPHCM tham gia vào công tác rà soát lại toàn bộ cống thoát nước thải ngầm (số 4) nhằm kịp thời nắm bắt được tình hình ô nhiễm cũng như có phương án kịp thời trong việc đầu tư, vận hành trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò.

Khó gom, xử lý toàn bộ nước thải công nghiệp

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương thì 100% các cơ sở sản xuất trong các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II đã đấu nối vào nhà máy xử lý tạp trung. Tuy nhiên, do 2 KCN này được thành lập và hoạt động trước khi hệ thống xử lý nước thải tập trung được đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến khó khăn và không thể đấu nối hoàn toàn nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Tin cùng chuyên mục