Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối - Quá xem thường quyền lợi người tiêu dùng

LTS: Ngày 20-12, Báo SGGP có bài về kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính về giá vốn 4 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, cho thấy các DN này lãi lớn chứ không phải lỗ nặng như họ đã công bố. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, nhiều bạn đọc đã bức xúc cho biết thực sự “bị sốc” với sự thật được phơi bày và nêu ý kiến đòi hỏi sự tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

LTS: Ngày 20-12, Báo SGGP có bài về kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính về giá vốn 4 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, cho thấy các DN này lãi lớn chứ không phải lỗ nặng như họ đã công bố. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, nhiều bạn đọc đã bức xúc cho biết thực sự “bị sốc” với sự thật được phơi bày và nêu ý kiến đòi hỏi sự tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

  • Bàng quan với cuộc chiến chống lạm phát

Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ trong 2 tháng từ ngày 1-7 đến 26-8-2011, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, Petimex đều lãi lớn, trong đó Petrolimex lãi đến 130 tỷ đồng. Lãi lớn như thế nhưng các DN này vẫn “than nghèo, kể khổ” rằng mình đang lỗ nặng và chỉ chấp nhận điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng 500 đồng/lít (thời điểm 26-8-2011).

Sự thiếu công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các DN này cho thấy họ đã lạm dụng thế độc quyền và xem thường quyền lợi của người tiêu dùng. Không chỉ làm rõ chuyện trắng đen - lỗ lãi, việc kiểm tra đã chỉ rõ nguyên nhân gây lỗ của các DN này là do “vung tay chi hoa hồng, chiết khấu cho đại lý”. Nếu chi đúng quy định, họ chẳng những không lỗ mà còn lãi lớn.

Sự việc này cho thấy thái độ vô trách nhiệm, bàng quan đứng ngoài cuộc chiến chống lạm phát của các đại gia xăng dầu. Trong khi Chính phủ và các cơ quan quản lý đang tìm mọi cách kiềm chế lạm phát, các DN này lại vung tay chi hoa hồng, chiết khấu cao ngất ngưởng. Sự loạn chi chiết khấu dẫn đến chênh lệch quá lớn, có DN chỉ chi 100 đồng/lít nhưng có DN chi đến 1.000 đồng/lít, có điều gì bất thường? Cần làm rõ có hiện tượng chuyển giá không khi sự thật đang tồn tại là “lỗ mẹ nhưng lãi con”.

Từ thực tế kiểm tra các DN xăng dầu, đề nghị cơ quan quản lý giá cả có cơ chế phù hợp, quản lý chặt giá cả đối với những lĩnh vực độc quyền như xăng dầu, điện, nước. Cần chấn chỉnh và xử lý mạnh tay DN nào sai phạm, cố tình đi ngược lại chủ trương kiềm chế lạm phát.

NHƯ HÀ (Quận 10, TPHCM)

  • Khoản hoa hồng xăng dầu là tiền của dân

Với kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, cuộc “khẩu chiến” giữa 2 bộ Tài chính và Công thương quanh chuyện DN kinh doanh xăng dầu lỗ hay lãi đã có hồi kết. Lãi thật, lỗ giả do mạnh tay chi hoa hồng cho các đại lý là chuyện có thật, duy chỉ có điều người ta không khỏi sốc với cách trả lời của vị quan chức ngành giá khi cho rằng khoản chi hàng trăm tỷ đồng hoa hồng này người tiêu dùng không phải gánh chịu.

Ai cũng biết và hẳn các DN kinh doanh xăng dầu đều hiểu rằng hoa hồng chính là miếng bánh cắt ra từ ổ bánh lợi nhuận. Nếu nói người tiêu dùng không phải gánh chịu thì khoản lợi nhuận khổng lồ ấy từ đâu ra? Bấy lâu nay, con số thật trong kinh doanh xăng dầu luôn là ẩn số người tiêu dùng hoàn toàn mù tịt và phải bấm bụng chi thêm tiền mà bình xăng xe ngày một lưng dần do giá xăng dầu trong nước vẫn tăng ngay cả khi giá dầu thế giới tuột dốc.

Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính đã hé lộ nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vai trò nhóm lợi ích của các DN kinh doanh xăng dầu. Trước mắt, cần điều chỉnh ngay giá xăng dầu trong nước phù hợp với giá dầu thế giới để góp phần nhẹ gánh chi phí cho người tiêu dùng. Về lâu dài, cần xây dựng một thị trường kinh doanh xăng dầu công khai, minh bạch.

Có thể quy định định mức chi phí kinh doanh (bao gồm chiết khấu) 600 đồng/lít theo các DN than phiền là quá thấp, thiếu thực tế, nhưng không thể vì lẽ ấy mà các DN “vung tay quá trán” để rồi kêu lỗ, tăng giá, đổ mọi thiệt thòi về phía người tiêu dùng. Hậu quả còn lớn hơn: kéo theo nhiều ngành kinh doanh khác tăng giá và người tiêu dùng bị thiệt đơn thiệt kép.

CUNG LÊ (Phường 6, quận 3)

  • Cảnh sát kinh tế cần vào cuộc

Kết quả kiểm tra cho thấy người dân đã phải gồng mình gánh các khoản lỗ của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Hoa hồng vượt trội không chỉ làm thất thoát vốn mà còn có dấu hiệu gian lận thương mại và cạnh tranh bất hợp pháp. Chi hoa hồng cao cho các đại lý để nhận lỗ về mình là điều không bình thường, có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả thanh tra và kiểm toán đã có. Dựa trên kết quả này, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ có thể vào cuộc để làm rõ và buộc những cá nhân có sai phạm phải chịu trách nhiệm được không? Việc người tiêu dùng không được hưởng mức giá thấp hơn đã là một thiệt thòi lớn.

Các DN kinh doanh xăng dầu cứ tự tung tự tác, “móc túi” người tiêu dùng và “rút hầu bao” của Nhà nước suốt mấy năm liền mà không ai làm gì được sao? Các cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại vì sao các DN này có thể dùng mãi điệp khúc than lỗ để được tăng giá xăng dầu? 

HẠ UYÊN (Tam Kỳ, Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục