Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang gặt hái những thắng lợi lớn về giá trị kim ngạch, đồ gỗ Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông…
Trong tháng 9-2011, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đạt 402 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tiến như hiện nay, các chuyên gia cùng nhận định, kim ngạch cả năm của gỗ Việt Nam có thể đạt tới mức 4 tỷ USD, tức vượt xa thành tích năm 2010 - khi lần đầu tiên Việt Nam đạt mức kim ngạch xuất khẩu gỗ 3,4 tỷ USD, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới.
Thế nhưng, niềm vui lại đan xen lẫn lo âu. Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của thế giới tăng mạnh, cánh cửa cho xuất khẩu gỗ Việt Nam rộng mở thì hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gỗ của chúng ta lại vướng phải 2 khó khăn lớn. Trong đó, khó nhất là gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Theo ông Quyền, sau khi có chính sách “đóng cửa rừng”, mỗi năm nước ta đang phải nhập khẩu tới 4.000.000m³ gỗ từ Lào, châu Phi và các nước khác. Thiếu nguyên liệu cộng với giá gỗ nhập khẩu ngày càng tăng khiến đồ gỗ Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực vì họ sẵn có lợi thế sử dụng ngay chính nguồn gỗ khai thác trong nước.
Một khó khăn nữa là vướng các đạo luật yêu cầu chứng minh “lai lịch” gỗ nguyên liệu. Trong đó, đạo luật Lacey (Hoa Kỳ) đã có hiệu lực từ ngày 1-4-2010 cấm buôn bán gỗ và sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, bắt buộc doanh nghiệp phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, nước khai thác gỗ, cách thức khai thác... của Hội đồng Quản lý rừng bền vững thế giới (gọi tắt là chứng nhận FSC). Từ tháng 1-2012, doanh nghiệp gỗ còn phải gánh thêm đạo luật FLEGT của EU có hiệu lực, cũng yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc gỗ nguyên liệu mới cho nhập khẩu.
Để đảm bảo yêu cầu ngày càng khắt khe của các đạo luật, đảm bảo ổn định mức tăng trưởng, ông Quyền cho rằng cần phải đảm bảo có được nguồn nguyên liệu “sạch”. Và giải pháp đặt ra là chúng ta cần hướng tới giảm dần nguồn gỗ nhập khẩu. Cách đây hai năm, đã từng có người cho rằng cần đề nghị Chính phủ cho mở cửa rừng trở lại, để đảm bảo gỗ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng, nếu mở cửa rừng thì người dân sẽ lại ồ ạt phá rừng, làm nguy hại lớn tới mục tiêu phát triển rừng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
Do đó, giải pháp khả thi hơn mà Nhà nước có thể làm là tạo cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Chính phủ cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đầu tư giải pháp KH-CN để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để thay thế dần gỗ nhập khẩu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ Việt Nam, Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ.
VĂN PHÚC