Doanh thu dệt may cao nhưng lợi nhuận thấp

Đây là thông tin được TS Trần Văn Ái, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ tại hội thảo “Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh hiệu quả cho các công ty dệt may Việt Nam”. 

Theo phân tích của TS Trần Văn Ái, nguyên nhân khiến ngành dệt may có lợi nhuận thấp là ở phương thức xuất khẩu. Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang áp dụng phương thức xuất khẩu CMT (Cutting - Making - Trimming). Đây là phương thức xuất khẩu đơn giản nhất của ngành dệt may và mang lại giá trị gia tăng thấp nhất. Một doanh nghiệp dệt may chỉ hưởng lợi được 1% - 2% trong toàn chuỗi giá trị. Chỉ có 20% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phương thức xuất khẩu OEM (Original Equipment Manufacturing) với lợi nhuận mang về là 4% - 10%. Trong khi đó, ODM (Original Design Manufacturing) và OBM (Original Brand Manufacturing) là 2 phương thức mang lại lợi nhuận cao nhất nhưng lại được rất ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam áp dụng, lần lượt chỉ chiếm 9% và 1%. Phương thức ODM có thể mang về cho doanh nghiệp mức lợi nhuận 25% - 30% và OBM là 100%. Một yếu tố nữa mà dệt may có lợi nhuận thấp là do Việt Nam chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào, phải nhập khẩu khoảng 80% nguyên liệu thô đầu vào. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí về nhân công do thiếu đội ngũ thiết kế, công nhân kém tay nghề và không đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại trong dây chuyền sản xuất. Việc không chú trọng cải tiến sản xuất cũng khiến công suất sản xuất của ngành dệt may Việt Nam chưa đủ lớn. 

Tin cùng chuyên mục