Dược sĩ Lê Thị Bình và những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển thuốc Đông Y gia truyền "Phong tê thấp Bà Giằng"

Dược sĩ Lê Thị Bình và những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển thuốc Đông Y gia truyền "Phong tê thấp Bà Giằng"

Tôi biết đến thuốc phong tê thấp Bà Giằng từ hồi còn nhỏ xíu. Đó là những tháng năm của thời bao cấp, thuốc thang trở thành một trong những thứ tài sản vô cùng quý giá. Nhưng dù có khó khăn đến đâu ba tôi cũng cố tìm mua cho nội một lọ thuốc phong tê thấp Bà Giằng. Lớn lên, được đi nhiều nơi, được biết nhiều người, tôi mới hiểu hết được sự hữu dụng của bài thuốc gia truyền này mang lại.

Dược sĩ Lê Thị Bình và những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển thuốc Đông Y gia truyền "Phong tê thấp Bà Giằng" ảnh 1

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt bút viết về chị không phải vì chị là một nữ doanh nhân thành đạt, mà bởi chị là một người đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc tìm đường phát triển cho bài thuốc gia truyền của gia đình.

Chị là dược sĩ Lê Thị Bình. Tốt nghiệp Đại học Dược năm 1989, chị Lê Thị Bình (ảnh) được nhận về công tác ở một cơ quan Nhà nước với mức lương ổn định nhưng chị đã từ chối vì nặng lòng với việc khôi phục và phát triển phương thuốc quý gia đình.

Hơn 10 năm kiên định với con đường đưa bài thuốc đến với mọi người, giờ đây chị đang là người quản lý nhà thuốc số 22 Ông Ích Khiêm - Hà Nội và vừa xây dựng xong một nhà máy sản xuất thuốc ở Thanh Hóa.

Gặp chị vào đúng dịp chị đang chuẩn bị cho Hội thảo khoa học về thuốc phong tê thấp gia truyền. Cảm nhận của tôi về chị – một người phụ nữ 40 tuổi, giản dị nhưng nhanh nhẹn và năng động. Khi được hỏi về hội thảo sắp tới chị cho biết: “Hiện nay có nhiều bài thuốc hay của dân gian nhưng chưa được lưu hành rộng rãi do không có giấy phép của Bộ Y tế. Trước đây các cụ nhà ta chỉ làm theo kinh nghiệm gia truyền nhưng muốn phát triển thì phải chứng minh được bằng khoa học. Hội thảo này được tổ chức nhằm góp phần khẳng định thuốc Đông y gia truyền đối với việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân”

Năm 1963, với mong muốn ngày càng có nhiều người được khỏi bệnh, bà ngoại của chị (bà Lang Giằng ) đã cống hiến công thức bài thuốc gia truyền chữa phong tê thấp cho Nhà nước. Sau đó Xí nghiệp Dược phẩm Thanh Hóa đã đưa bài thuốc vào sản xuất với qui mô lớn phục vụ nhân dân. Sau nhiều năm nghiên cứu, nỗ lực phấn đấu, cuối cùng chị Bình đã xây dựng thành công tiêu chuẩn cho thuốc phong tê thấp Bà Giằng. Nhờ đó thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Nắm bắt được tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh doanh, chị đã xây dựng quy trình, chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng máy móc hiện đại.

Nhà máy của chị hiện nay đã có một hệ thống dây chuyền đồng bộ được nhập khẩu từ nước ngoài, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong kinh doanh của chị.

Dù là chủ một doanh nghiệp có tiếng nhưng chị vẫn tham gia lao động cùng anh em công nhân, hướng dẫn họ làm việc. Chị sang Trung Quốc rồi về Thanh Hóa để lấy nguyên liệu, tận tay kiểm tra chất lượng nguyên liệu.

Chị tâm sự: “Người ta ăn bát phở thì thấy ngay là nhiều thịt hay ít nhưng uống một viên thuốc thì khó có thể biết nó được tạo nên từ loại nguyên liệu như thế nào. Là một người thầy thuốc mình không thể gian dối hay làm việc qua loa cho xong chuyện được. Thuốc liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Người thầy thuốc phải có cái tâm mới giữ được nghề và phát triển được nghề”.

Thành công trong công việc kinh doanh, nhưng khi trở về gia đình chị Bình vẫn là một người phụ nữ đảm đang chăm lo việc nội trợ. Chị quan niệm, người phụ nữ thành đạt không chỉ phát triển được kinh doanh mà còn biết vun đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chị tạo mọi điều kiện, khuyến khích các con học tập tốt để sau này phát triển hơn nữa bài thuốc của gia đình.

LÊ QUỐC

Tin cùng chuyên mục