Tôi viết bài này ngay sau khi đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 21-6-2011. Tôi là bạn đọc báo thường xuyên từ 1987. Năm 1988, tôi cộng tác bài vở với báo đến năm 1995. Tôi đọc Báo SGGP để học thêm nghề, củng cố bản lĩnh chính trị từ những người viết cứng cỏi, tiếng tăm: Trần Quang Thịnh, Võ Hàn Lam, Nguyễn Đức, Nguyễn Tường Lộc, Lê Tiền Tuyến, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh…
Từ gắn bó như thế, tôi nhận ra sự chuyển biến về nội dung của SGGP. Vài tháng qua, nhiều trang chuyên đề của báo thể hiện cuộc sống, sự việc đa dạng, đa chiều hơn.
Ngày 6-5-2011, trong bản tin “Báo Đảng nỗ lực để đa dạng hấp dẫn”, dù Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua vẫn khen nhiều hơn chê, nhưng lãnh đạo Báo SGGP vẫn thẳng thắn thấy “từng bước thăng trầm và phát triển của báo trong thời gian qua” và hứa với lãnh đạo Thành ủy rằng: “Sẽ nỗ lực hết mình để đoàn kết gắn bó trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, quyết liệt đổi mới, vượt qua chính mình, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị bằng cách làm cho báo ngày càng đa dạng, hấp dẫn, gần gũi bạn đọc hơn…”.
Ngày 22-5-2011, tin đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, làm việc với báo, cho thấy sự chuyển động tích cực của Báo SGGP. Đó là bắt đầu đào tạo phóng viên, biên tập viên cho giỏi hơn, phát hành tốt hơn để làm tốt chức năng kinh tế báo chí mà không thương mại hóa tờ báo. Giữ vững trận địa báo chí để xây dựng tờ báo xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.
Ngày 21-6-2011, các chuyển động tích cực xuất hiện rõ nét hơn: Báo SGGP dành hẳn trang 3 kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó có bài “Cảm ơn sự đồng hành cùng làm báo của bạn đọc”, tiếp tục mời gọi bạn đọc phát hiện thông tin chuyển qua đường dây nóng của báo… Bài viết về nhà báo N.V.L của nhà báo lớn tuổi đầy hoài niệm Đinh Phong, cho thấy tầm vóc nhà báo N.V.L tâm huyết thế nào trên suốt chặng đường làm cách mạng và dùng những bài báo làm cách mạng đầy tầm cỡ và sáng rõ nhân cách.
Bài Kỷ niệm Trường Sa rất thật: sự thật từ đất liền đem ra, “sơn tàu mới lại để đón đoàn”, “cá thịt dọn đầy bàn” mà ít ai động đũa, PV suýt xin mì gói của chiến sĩ khó khăn, thiếu thốn hàng ngày.
Riêng bài phỏng vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng thật đáng giá. Bà “bày tỏ gan ruột” với phóng viên nhân ngày 21-6, mới thấy thêm bà tinh tế, sắc sảo và tầm thước thế nào, nhất là bà đòi hỏi nghề báo có 6 chữ: tính chuyên nghiệp, sự chỉn chu. Bài học về nghề rất khó! Các PV nên đọc và ngẫm bài học này.
TRẦN ANH TÀI (P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TPHCM)