Độc đáo trường đua “ngàn tỷ” trong KDL Đại Nam

Khu du lịch Đại Nam chính thức mở cửa đón du khách từ ngày 11-9-2008 và đến nay, sau đúng 10 năm hoạt động, Đại Nam đã có những đổi thay ngoạn mục. Không chỉ phục vụ du lịch, văn hóa, mà các công trình thi đấu thể thao độc đáo được xây dựng gần đây đã đưa Khu du lịch thể thao văn hóa Đại Nam ngang tầm các khu du lịch nổi tiếng khác của các nước trong khu vực.
Đua ngựa ở Khu du lịch Đại Nam
Đua ngựa ở Khu du lịch Đại Nam

Từ những viên gạch đầu tiên

Công trình đầu tiên được xây dựng tại Khu du lịch Đại Nam là Ngũ Hành Sơn, dài 252m, đỉnh núi cao gần 66m và xây dựng công phu trong  4 năm mới hoàn thành, trở thành dãy núi nhân tạo cao nhất Việt Nam. Đến năm 2000, tòa Bảo Tháp với ngôi tháp 9 tầng (cao 45m) hình bát giác được xây dựng từ ngọn núi trung tâm của Ngũ Hành Sơn, tạo thế uy nghi, linh thiêng cho vùng đất vốn được bao bọc bởi phần lớn cây cao su và sỏi đá.

Sau đó, các công trình trọng điểm được tiếp tục đầu tư như đền Đại Nam, dòng Bảo Giang, hồ Ngọc Bích, quảng trường Đại Nam…, tạo nên hình hài hoàn chỉnh của Khu du lịch Đại Nam với điểm nhấn thời điểm đó là các dãy núi nhân tạo, đền chùa đậm màu sắc tâm linh. Các công trình văn hóa tâm linh được xây dựng khá tốn kém với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng khi du khách đến đây thì không phải tốn tiền mua hương, nước uống cũng được miễn phí.

Tâm niệm của ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Khu du lịch Đại Nam, công trình này không phải để kinh doanh mà là bảo tồn nét văn hóa truyền thống của cha ông, đặc biệt là để phục vụ đời sống tâm linh của bá tánh, không phân biệt giàu nghèo. 

Bà Nguyễn Thị Hà (67 tuổi, sinh sống gần Khu du lịch Đại Nam) cho biết, 10 năm trước, khi những người thợ đầu tiên đến làm việc, không ai có thể hình dung được chỉ sau vài năm, nơi này đã hình thành nên khu du lịch ấn tượng như vậy với rất nhiều đền đài, tượng Phật và lược sử về lịch sử dân tộc; trở thành địa điểm tu tâm, chiêm bái của người dân địa phương. Trước đây, nơi này tương đối vắng vẻ, hoang sơ, đường sá nhỏ hẹp, khó đi. Từ khi Khu du lịch Đại Nam đi vào hoạt động, nơi đây như có sức sống mới với nhiều nhà hàng, khách sạn mọc lên và các dịch vụ ăn theo phát triển mạnh xung quanh khu du lịch, giúp đời sống người dân thay đổi theo…

Ông Huỳnh Uy Dũng tâm sự: “Vạn sự khởi đầu không bao giờ là dễ dàng. Tôi đã dành tất cả thời gian và tâm trí, từ việc lên kế hoạch thực hiện đến chuẩn bị từng bước đầu tiên về cơ sở vật chất để khởi dựng công trình như hiện nay”.

Ông cho biết, riêng phần chuẩn bị cơ sở vật chất đã mất đến gần 10 năm, thậm chí còn phải chi tiền đầu tư xây dựng cả nhà máy cơ khí, nhà máy gạch để sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng cao cho công trình. Trước khi thực hiện dự án này, không ít người đã ngăn cản, cho rằng không hiệu quả và nghĩ rằng ông cố chấp, gàn dở, nhưng ông chủ Khu du lịch Đại Nam xem đó là nguồn năng lượng để thực hiện với mục tiêu không phải làm vì tiền, mà vì sức mạnh tâm linh trong ông thôi thúc…

Đến trường đua ngàn tỷ đồng

Từ những ngày đầu tiên mở cửa đón du khách, các công trình núi, đền, vườn thú Đại Nam (nơi nuôi giữ nhiều loài thú quý hiếm như tê giác, hổ, gấu, voi, các loài chim…) được xác lập kỷ lục đã có sức hút lớn đối với du khách thập phương, trong đó có cả du khách nước ngoài và những nhà nghiên cứu động thực vật đến đây tìm hiểu. Tuy nhiên, phải đến khi công trình trường đua Đại Nam được đưa vào sử dụng (tháng 7-2016), bộ mặt khu du lịch này đã thay đổi mạnh mẽ với các hoạt động thể thao truyền thống (đua ngựa, đua chó), hiện đại (đua xe phân khối nước, mô tô nước…) kết hợp với tổ chức thi đấu chuyên nghiệp có sự tham gia của nhiều vận động viên quốc tế, thu hút sự quan tâm lớn của du khách, vận động viên trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trường đua này cũng góp phần khôi phục lại nghề đua ngựa đang dần mai một ở các địa phương như Bình Dương, Long An… Đã xuất hiện những chú ngựa đua trị giá hàng trăm ngàn USD, được nhập từ Úc và một số nước châu Âu, để khôi phục lại môn thể thao đua ngựa độc đáo. Trường đua này được xây dựng với vốn đầu tư ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng, có tổng chiều dài hơn 2km, trong đó đường đua ngựa dài 1,5km; sức chứa hơn 20.000 người, đủ sức tổ chức các giải đấu thể thao quốc tế. 

Sau khi đưa vào sử dụng công trình trường đua, khu du lịch này đã gia tăng mạnh số lượng khách viếng thăm, nhất là trong những ngày lễ, tết, mỗi ngày thu hút khoảng 25.000 lượt người. Và cho đến nay, mỗi năm Đại Nam tiếp đón khoảng 2 triệu lượt khách. Tính chung trong 10 năm qua, khu du lịch này đã thu hút hơn 15 triệu lượt du khách. Điều đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận của trường đua ngoài tái đầu tư, công ty dành 100% lợi nhuận còn lại phục vụ cho công tác từ thiện vì cộng đồng, thông qua Quỹ từ thiện Hằng Hữu, đáng nói nhất là chương trình mổ tim dành cho trẻ em.

Tin cùng chuyên mục