Suốt những năm học đại học, tôi đắm mình vào những tác phẩm của nhà văn Dương Thụy, như một kiểu say mê mà khi gấp quyển sách lại cứ tiếc nuối mãi vì đã lỡ đọc đến trang cuối cùng.
Với những ai là độc giả trung thành của Dương Thụy sẽ đôi lần "ngan ngán" bởi những mô tuýp quen thuộc trong văn của cô: một cô gái Việt yêu một chàng trai Tây, ở một vùng đất xa lạ nào đó của châu Âu xa xôi. Dù quen là thế, nhưng cứ đọc là lại thấy đắm mình vào những chuyện tình đẹp không kém phần trắc trở bởi sự khác biệt về phong tục tập quán, về địa lý của hai nền văn hóa Đông - Tây.
Truyện Dương Thụy khắc họa được chân dung những con người của thế hệ trẻ: hiện đại, tài năng và đam mê đi khắp thế giới để thu về không chỉ kiến thức mà còn cả văn hóa sống. Hẳn nhiên, không phải ai cũng “thích nghi” được với truyện của cô, bởi nó còn mang cả những ngông cuồng - lối sống Tây hóa của những nhân vật chính.
Cái độc đáo ở Dương Thụy chính là thông qua câu chữ đã vẽ nên một bức tranh sống động, mà ít có nhà văn nào làm được. Bản thân tôi dù chưa được đặt chân tới Paris (Pháp) cũng có thể tưởng tượng được cái sự tráng lệ hào nhoáng của một kinh đô thời trang bậc nhất thế giới qua Nhắm mắt thấy Paris.
Hay những con đường nên thơ, những bậc tam cấp sâu hun hút đặc trưng của một thành phố ở Bỉ qua Cung đường vàng nắng. Cũng có thể là hình ảnh của nước Anh cổ kính, rêu phong mà rộng lớn đến cô đơn trong Oxford thương yêu.
Từng là du học sinh, có dịp đi công tác thường xuyên, Dương Thụy có nhiều thời gian trải nghiệm từng vùng đất mà cô đi qua, mỗi nơi đều được quan sát tỉ mỉ đến từng chi tiết, để rồi trong từng tác phẩm văn chương của mình, cô lồng ghép từng khung cảnh một cách hợp lý nhất có thể.
Nằm trong chuỗi bốn tập truyện dài, Chờ em đến San Francisco - tập truyện dài gần đây nhất, Dương Thụy đã khai thác một khía cạnh mới mẻ về ký ức, về sự từng trải trong những năm tháng cũ của những con người rời bỏ quê hương để đến một vùng đất mới. Không còn là chuyện tình lãng mạn đầy màu hồng với những chàng trai xứ lạ, tập truyện này sâu lắng và “già đời” hơn nhiều, để thấy một Dương Thụy khác hẳn nhưng vẫn giữ nguyên sự tin tưởng vào tình yêu và lối tả cảnh vẫn sinh động như ngày nào.
Điều này chứng minh được rằng, ai rồi cũng sẽ lớn lên, không chỉ lớn về tuổi tác mà cả suy nghĩ và ngòi bút cũng có sự biến chuyển. Ngay cả độc giả của Dương Thụy - là tôi chẳng hạn, cũng dần phải sâu sắc hơn theo từng tác phẩm của cô.
Nhà văn Dương Thụy và một số tác phẩm của cô
Bên cạnh những tập truyện dài như đã kể ở trên, nhà văn Dương Thụy còn cho ra đời những tập du ký. Là những trải nghiệm thật của chính tác giả ở mỗi nơi mà cô đi qua, là sự miêu tả chi tiết hết sức có thể về vùng đất cô vừa đặt chân đến.
Venise và những cuộc tình gondola có lối viết giản dị nhưng cuốn hút, Dương Thụy như một hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu những địa danh qua cái duyên riêng hóm hỉnh để rồi ai đọc cũng sẽ nhớ: Bruxelles hóm hỉnh, Antwerp hào sảng, Montreux đẹp như mơ…
Với tập du ký thứ hai Trả lại nụ hôn, nhà văn Dương Thụy đi theo lối viết miêu tả vẻ đẹp của từng quốc gia xuyên suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Dương Thụy đã từng viết như thế này: “Nếu đang xuân nồng, bạn sẽ dễ si tình ai đó trong khung cảnh mới lạ. Nếu là mùa hè ấm áp, bạn sẽ muốn rong chơi. Nếu đến châu Âu vào mùa thu, nhìn những chiếc lá đổi màu rồi dần rụng theo những cơn gió thoảng, bạn chợt đòi làm thơ. Nếu bạn xa nhà vào mùa đông giá lạnh, bạn sẽ phải suy tư gì đó dù không muốn làm triết gia tí nào”.
Và tập du ký gần đây nhất: Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ, vừa xuất bản vào tháng 2-2016 để dành kể riêng về nước Mỹ, về những thành phố ở bờ Đông - bờ Tây. Và đặc biệt nhất trong quyển sách này, Dương Thụy kể về dịch giả người Mỹ Elbert Bloom, người đã say mê, tìm tòi và dịch ba tác phẩm của cô sang tiếng Anh. Chắc hẳn đó là mối lương duyên của hai con người xa lạ với cùng một niềm đam mê văn chương và hào hứng với văn hóa.
Cứ đọc xong bất kỳ một tác phẩm nào của nhà văn Dương Thụy, tôi lại dấy lên ngọn lửa muốn đi đến khắp mọi nơi trên thế giới này. Để được tận mắt nhìn thấy, chạm vào những khung cảnh mình đã từng đọc, để tự biến mình thành những nhân vật mà bản thân đã thuộc nằm lòng. Và hơn hết, đọc nhiều hơn chính là động lực để tôi cố gắng, tìm kiếm cơ hội đến với những vùng đất tuyệt vời ấy.
QUỲNH VY