Độc, lạ, quái với thời trang sinh viên

Có lẽ bài tập đọc môn Tiếng Việt lớp 2 “Đẹp mà chưa đẹp” đã phai nhạt trong ký ức của một số sinh viên (SV) thể hiện qua cách ăn mặc của họ. Những người xung quanh chỉ còn biết lắc đầu, ái ngại.

Có lẽ bài tập đọc môn Tiếng Việt lớp 2 “Đẹp mà chưa đẹp” đã phai nhạt trong ký ức của một số sinh viên (SV) thể hiện qua cách ăn mặc của họ. Những người xung quanh chỉ còn biết lắc đầu, ái ngại.

Khi được hỏi về trang phục của SV Việt Nam, Fumio và Misato (Khoa Việt Nam học, ĐH KHXH-NV) đều cho rằng: “Trang phục quần jean, áo thun hoặc áo sơ mi của SV Việt Nam giúp tạo sự thoải mái trong học tập và sinh hoạt, nhìn rất đẹp, tự nhiên”. Quả thật, đó là thời trang thường thấy của giới trẻ hiện nay, trong đó có SV.

Việc tiếp cận với nhịp sống công nghiệp và giao thoa văn hóa giữa các quốc gia đã giúp SV có tư duy thời trang trẻ trung và hợp thời, bắt kịp với xu hướng thời trang của thế giới. Đông đảo SV dễ dàng tìm hiểu, trao đổi về các khuynh hướng thời trang, qua các diễn đàn trên mạng và các kênh thông tin như truyền hình, báo chí, tranh ảnh. Từ đó họ rút ra cho mình những cách ăn mặc năng động, lịch sự và phù hợp với vóc dáng, tiền bạc.

Hiện nay, việc cố tình để hở, hớ hênh là một trong những chiêu mà nhiều nữ SV muốn khoe sự gợi cảm. Một SV sở hữu một vóc dáng đẹp nên thường chọn mặc những bộ đồ có chất liệu vải bó sát để khoe những đường cong hay những chiếc váy siêu ngắn để khoe chân dài. Nhiều SV nữ khác cố ý mặc áo siêu mỏng, áo lưới, khoét cổ, trễ vai... coi lớp học, trường học như một sàn diễn thời trang mát mẻ. Đã vậy, không chỉ có SV nữ mới kém ý thức thẩm mỹ trong trang phục đến trường, không ít SV nam cũng thể hiện sự sành điệu bằng những phục trang áo thun bó sát khoe thân thể, quần trễ lộ nội y… Những hình ảnh khó coi này đã khiến không ít bạn SV lên tiếng góp ý và bày tỏ bức xúc: “Thể hiện cá tính không có nghĩa là ăn mặc phản cảm, thiếu văn hóa ngay trong môi trường giáo dục!”.

Đáng báo động hơn là trào lưu trang phục mát mẻ ngày càng phát triển khó kiểm soát! Trên internet liên tục đăng tải những hình ảnh SV ăn mặc nhức mắt. Càng buồn hơn, những bài báo online này ngày càng phổ biến cố ý gây ấn tượng cho giới trẻ, khiến không ít SV tiếp tục lao vào việc thể hiện cá tính qua trang phục độc, lạ, quái, mà không nhận thức được sự khác biệt hoàn toàn giữa sự nổi tiếng và tai tiếng.

Các trường ĐH, CĐ cần có sự kiểm tra sát sao hơn về thời trang học đường. Với SV, thông qua trang phục, người ngoài sẽ đánh giá trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thẩm mỹ của người mặc, nên nhất thiết đừng tự hạ thấp giá trị của mình.

Xuân Tiến

Tin cùng chuyên mục