Đọc sách sao cho hiệu quả nhất?

Đọc sách sao cho hiệu quả nhất?
Đọc sách sao cho hiệu quả nhất? ảnh 1
Thầy Frank (bìa phải) hướng dẫn thực hiện ví dụ “phụ huynh trao đổi việc đọc sách với con”.

Thầy Frank Chiristensen- giáo viên người Mỹ (đang dạy ở Trường Quốc tế Mỹ- American International School, quận 1) đã có 30 năm dạy môn đọc. Dưới đây là lời tư vấn của thầy về việc học môn tiếng Anh, nhất là về việc đọc sách sao cho hiệu quả nhất.

Theo thầy Frank Chiristensen, có một điều tuy đơn giản, nhưng học sinh cần nhớ và tuân thủ là để nâng cao tính tập trung, cần học bài ở nơi yên tĩnh; không có âm thanh, hình ảnh dao động trước mặt như tiếng nhạc phát ra từ máy hát, hay âm thanh và hình ảnh từ ti vi; tiếng nói cười, trò chuyện của anh chị em hay bạn bè xung quanh; không vừa học vừa…ăn vặt! Chỗ ngồi học cũng cần thật sự thoải mái, mát mẻ, đủ ánh sáng. Tuy nhiên, cũng có thể dành một chút… ngoại lệ như một “phần thưởng” khuyến khích cho những bạn có cố gắng và học giỏi- nếu bạn này có nhu cầu nghe một chút nhạc thì mới… học “dễ vô, mau vô”…

 Với môn tiếng Anh, thầy đặc biệt lưu ý việc sử dụng từ điển: Khi học tiếng Anh, chỉ nên sử dụng từ điển hoàn toàn bằng tiếng Anh. Không được sử dụng từ Việt Nam để định nghĩa từ tiếng Anh. Từ điển thích hợp nhất là quyển từ điển dành cho người học.

 Về việc phát triển kỹ năng đọc, trước hết, các bạn nên duy trì thường xuyên và liên tục thói quen đọc sách và biến nó thành niềm vui, niềm say mê và nhu cầu của mình. Mỗi  ngày, hãy dành ít nhất 30 phút cho việc đọc. Hãy nhớ, việc đọc sách không có ngày nghỉ, ngày lễ (nếu không muốn nói là ngày nghỉ có thời gian rảnh nhiều hơn, bạn lại càng nên tăng thời gian đọc). Còn với câu hỏi “Nên đọc sách gì?”, thì hãy đọc bất cứ sách gì bạn thích (đương nhiên là các học sinh thông minh sẽ biết chọn đọc những quyển sách có lợi). Để phát triển kỹ năng đọc và đọc thông thạo (trong trường hợp đọc sách ngoại văn), bạn phải đọc rất nhiều, càng nhiều càng tốt. Nếu đọc nhiều, bạn sẽ phát hiện rằng có rất nhiều quyển sách rất hay và thú vị. Từ đó, tình yêu và niềm say mê đọc sách sẽ nảy nở và nó lại thúc giục bạn đọc nhiều hơn.

Với sách ngoại văn, việc đọc không chỉ giúp bạn phát triển khả năng ngoại ngữ mà còn giúp nâng cao kiến thức về nhiều lĩnh vực (nếu bạn chọn chủng loại sách đa dạng) và giúp hiểu biết thêm về nhiều nền văn hóa khác nhau. Thật là “lợi đơn lợi kép”!

Còn với phụ huynh, ngoài việc tôn trọng ý thích và cách chọn sách của con, cũng có thể tư vấn cho con trong vấn đề chọn sách. Phụ huynh hãy trao đổi như một người bạn lớn đáng tin cậy và đầy chia sẻ. Sự quan tâm đôi khi chỉ cần thể hiện môt cách đơn giản: trò chuyện với con về quyển sách con vừa đọc để tạo cơ hội cho con thể hiện suy nghĩ, tình cảm và sự hiểu biết của mình. Phụ huynh có thể hỏi: Tại sao con chọn quyển sách (quyển truyện) này? Con có thích quyển sách này không (tại sao thích và tại sao không?). Con thích nhân vật (sự kiện, hình ảnh, chi tiết…) nào trong sách? Ai là nhân vật xấu trong sách? Sách kết thúc ra sao?...

QUỐC VIỆT ghi

Tin cùng chuyên mục