Từ đầu năm 2016 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều kênh rạch bị cạn kiệt. Hiện tại hàng trăm ngàn hécta rừng ở các tỉnh ĐBSCL bị khô cạn trầm trọng, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Tại Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… đã huy động lực lượng kiểm lâm, bộ đội, chính quyền địa phương, các chủ rừng, người dân… cùng nhau canh giữ, bảo vệ rừng trong suốt mùa khô.
Nguy cơ cháy lan rộng
Những ngày này trời nắng như đổ lửa, nhiều cánh rừng ở U Minh Hạ (Cà Mau) rất dễ cháy nên lực lượng canh giữ luôn túc trực trên chòi cao để quan sát tình hình. Ông Nguyễn Đình Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Kênh Đứng (Vườn quốc gia U Minh Hạ), cho biết: “Trạm chúng tôi có 4 người thay phiên nhau gác “trên trời” xuyên suốt. Song song đó, còn phải lội vào rừng tuần tra xem có ai xâm nhập trái phép hay không. Mùa này, lo nhất là người dân tự ý vào rừng bắt cá và lấy mật ong. Chỉ cần một tàn thuốc vô tình rơi xuống tán rừng thì lửa sẽ bốc cháy”. Trạm Kiểm lâm Kênh Đứng, chịu trách nhiệm canh giữ hơn 800ha rừng tràm 30 tuổi quý hiếm của Vườn quốc gia U Minh Hạ, nên lực lượng giữ rừng phải tập trung cao độ phòng chống cháy xuyên suốt mùa khô. Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, toàn bộ diện tích rừng tràm 8.526ha của vườn có nguy cơ cháy rất cao nên 100% quân số được huy động trực 24/24 giờ. “Nắng nóng, nước dưới chân rừng xuống rất nhanh. Tại khu vực nghiêm ngặt, mực nước xuống tới đáy kênh chỉ còn 1,9m. So với năm trước thấp hơn 30cm. Lực lượng trực tại các chốt, đài quan sát… phải báo cáo về trung tâm 15 phút/lần. Chúng tôi cũng đã hợp đồng với hàng trăm người dân sống quanh vùng đệm cùng nhau giữ rừng. Ngành kiểm lâm đã bố trí đầy đủ lực lượng tại các chốt, nhất là khu vực có nguy cơ cháy xảy ra”, ông Dũng nói.
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện tại toàn bộ diện tích lâm phần rừng tràm Cà Mau với hơn 43.000ha đã khô cạn hoàn toàn. Hiện công tác phòng chống cháy rừng được ngành chức năng tỉnh, chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân… tập trung cao độ.
Tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có khoảng 4.615ha rừng bị cạn nước nghiêm trọng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là 559ha rừng thuộc Lâm trường 422; rừng tràm Sư đoàn Bộ binh 4 (Quân khu 9) có 1.077ha; rừng tràm của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam hơn 2.576ha đều rơi vào tình trạng báo động cháy cấp 4, cấp 5. Trong khi đó, hơn 2.000ha rừng ở huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang) cũng khô hết nước do hệ thống bờ bao không đảm bảo. Cái khó của khu vực này là nhiều diện tích rừng đan xen với ruộng lúa sản xuất của người dân. Chỉ cần một vài hộ sơ ý trong việc đốt đồng, đốt rơm rạ… là xảy ra hậu quả lớn. Ông Hồ Văn Hoàng, Trưởng phòng Quản lý và bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang), lo ngại: “Ngoài 2 khu vực trên thì 29.500/35.000ha rừng ở huyện đảo Phú Quốc cũng có nguy cơ cháy rất cao và nếu cháy sẽ khó cứu chữa bởi địa hình phức tạp. Vì thế, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đang siết chặt công tác bảo vệ, không cho người lạ mặt vào rừng nhằm hạn chế nguy cơ cháy xảy ra”.
Lực lượng kiểm lâm Kiên Giang tuần tra phòng chống cháy rừng mùa khô
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ
|
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòn Đất cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền và các chủ rừng tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng, không cho người lạ mặt vào rừng bắt ong mật, bắt cá… Bên cạnh đó, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng, củng cố các tổ, đội ở cơ sở. Ngoài ra, còn thu dọn những lớp thực bì, rơm rạ, lá cây… để hạn chế nguy cơ cháy. Mặt khác, đã chuẩn bị đầy đủ vỏ máy cơ động, máy bơm, dây chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc… sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Theo ông Lê Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực An Biên - An Minh (Kiên Giang), đơn vị xác định “phòng là chính”, chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Để thực hiện hiệu quả phương châm này thì các cấp, các ngành, các hộ gia đình và các tổ chức chính trị, xã hội… chuẩn bị phương án cụ thể về phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, tăng cường điều tra, xử lý vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy rừng, xâm hại rừng... Đồng thời, đề nghị các chủ rừng, hộ gia đình nhận khoán rừng đắp đập giữ nước, phát dọn, nạo vét lòng kênh, mương, làm đường băng cản lửa phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách tốt nhất…
Ở Cà Mau, ông Lê Văn Hải cho biết vừa tăng cường thêm 4 tổ máy bơm ở rừng tràm U Minh Hạ. Mỗi tổ máy bơm bố trí 4 kiểm lâm viên “trực chiến” đến hết mùa khô 2016.
NHÓM PV