Dọc xa lộ Hà Nội: Chỉnh trang đô thị, phát triển công trình cao tầng

Sở QH-KT TPHCM cho biết, UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của sở về những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu thiết kế kiến trúc dọc xa lộ Hà Nội. Đây là những nghiên cứu sâu hơn của Sở QH-KT. Trước đây, chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc những nghiên cứu chung nhất về vấn đề này, nay có những thông tin cụ thể hơn, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Dọc xa lộ Hà Nội: Chỉnh trang đô thị, phát triển công trình cao tầng

Sở QH-KT TPHCM cho biết, UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của sở về những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu thiết kế kiến trúc dọc xa lộ Hà Nội. Đây là những nghiên cứu sâu hơn của Sở QH-KT. Trước đây, chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc những nghiên cứu chung nhất về vấn đề này, nay có những thông tin cụ thể hơn, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Xây dựng đô thị nén, phát triển vận tải công cộng

Đó là định hướng chủ đạo trong phát triển đô thị dọc xa lộ Hà Nội, vừa được Sở QH-KT TPHCM trình UBND TPHCM xem xét.

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch thuộc Sở QH-KT TPHCM - đơn vị trực tiếp nghiên cứu thiết kế trục xa lộ Hà Nội - lý do chủ yếu để sở có đề xuất trên vì xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường chính của TPHCM. Dọc tuyến đường này sẽ hình thành một số trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục lớn như Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Chiếc, dự kiến rộng 200-300ha, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc rộng 300-400ha… Giải pháp bền vững và hiệu quả để kết nối các trung tâm nêu trên là vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên với hơn 1/2 đoạn đường chạy qua xa lộ Hà Nội đã được TPHCM khởi công xây dựng như là một phần của kế hoạch này. Ngược lại, sự xuất hiện của tuyến metro số 1 với tổng vốn xây dựng lên tới khoảng 2 tỷ USD, đã đặt ra yêu cầu cho TP phải hình thành các trung tâm văn hóa, giáo dục lớn dọc tuyến đường thì việc khai thác metro mới hiệu quả. Chính vì thế, Sở QH-KT đã đặt vấn đề phải tập trung chỉnh trang đô thị dọc xa lộ Hà Nội. Bên cạnh những trung tâm giáo dục, văn hóa đã có cần hình thành thêm các khu dân cư với độ nén cao từ việc chỉnh trang đô thị, giải tỏa các khu nhà lụp xụp, khu nhà thấp tầng gần đó. Cư dân của những khu dân cư này và những người đến làm việc tại các trung tâm thể thao, văn hóa, giáo dục… sẽ là hành khách chính của tuyến metro số 1.

Dọc xa lộ Hà Nội: Chỉnh trang đô thị, phát triển công trình cao tầng ảnh 1

Cao ốc bên xa lộ Hà Nội. Ảnh: Kim Ngân

Trong các trung tâm văn hóa, giáo dục, các khu dân cư sẽ bố trí các ga vận tải hành khách công cộng để tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, chạy dọc xa lộ Hà Nội dừng đậu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, các ga này không chỉ phục vụ cho tuyến metro số 1 mà còn là ga để các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt, xe taxi đưa, đón khách. Cũng theo ông Huỳnh Xuân Thụ, sẽ có 9 ga metro dọc xa lộ Hà Nội và đây sẽ là đầu mối vận chuyển hành khách công cộng cho cả khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà UBND TPHCM đã giao Sở QH-KT phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu xây dựng các bãi đậu xe ở xung quanh các ga này. Các bãi đậu xe chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong trường hợp người dân đi bằng phương tiện cá nhân tới ga metro, gửi xe tại ga và sử dụng metro để đi lại.

Di dời nhà máy, hình thành khu đô thị hiện đại

Ông Huỳnh Xuân Thụ cho hay, một trong những chủ trương quan trọng trong việc phát triển đô thị dọc xa lộ Hà Nội là quyết định di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực Nhà máy xi măng Hà Tiên. Toàn bộ khu vực này ước rộng khoảng 100ha và UBND TPHCM đã giao Sở QH-KT nghiên cứu lập quy hoạch phát triển và xây dựng các khu dân cư hiện đại ở đây. UBND TPHCM đã lưu ý Sở QH-KT phải có giải pháp khai thác hiệu quả lợi thế đặc biệt nằm bên sông Sài Gòn của khu dân cư, để tạo ra nguồn thu từ đất cho ngân sách TP.

Việc bảo tồn các biệt thự ở các quận 9, Thủ Đức dọc xa lộ Hà Nội sẽ được nghiên cứu theo hướng giữ lại những công trình có giá trị. Những công trình còn lại sẽ được chỉnh trang theo yêu cầu phát triển của TP.

Cùng với việc phát triển giao thông công cộng, việc xây dựng thêm 2 cây cầu kết nối các khu dân cư dọc xa lộ Hà Nội với bán đảo Bình Quới-Thanh Đa sẽ được nghiên cứu chung trong thiết kế kiến trúc dọc xa lộ Hà Nội. Đây cũng là một phần của kế hoạch phát triển bán đảo Thanh Đa thành khu du lịch, đô thị hiện đại của TP.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục