Tây Ninh

Đối đầu với hạn hán!

Cơn mưa rào chiều qua 15-11 tuy không cứu được hơn 6.000 tấn lúa và hoa màu gieo gặt trễ, nhưng cũng đã đem lại niềm vui cho các nhà nông. Ước tính ban đầu, tỉnh Tây Ninh thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng vì hạn hán. Tuy nhiên, nỗi lo chưa dừng lại ở đó. Tình hình thời tiết phức tạp như hiện nay thì vụ hè thu sắp tới coi như khó thể thực hiện. Trong khi đó, hồ Dầu Tiếng đã ngưng cấp nước và đang có mức nước thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã có giải pháp gì để sống “hòa bình” với hạn hán?
Đối đầu với hạn hán!

Cơn mưa rào chiều qua 15-11 tuy không cứu được hơn 6.000 tấn lúa và hoa màu gieo gặt trễ, nhưng cũng đã đem lại niềm vui cho các nhà nông. Ước tính ban đầu, tỉnh Tây Ninh thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng vì hạn hán. Tuy nhiên, nỗi lo chưa dừng lại ở đó. Tình hình thời tiết phức tạp như hiện nay thì vụ hè thu sắp tới coi như khó thể thực hiện. Trong khi đó, hồ Dầu Tiếng đã ngưng cấp nước và đang có mức nước thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã có giải pháp gì để sống “hòa bình” với hạn hán?

  • Thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất của các huyện thị, trừ 2 huyện Hòa Thành và Gò Dầu canh tác sớm nên không bị ảnh hưởng, còn lại 9 huyện và thị xã đều ít nhiều bị ảnh hưởng của hạn hán. Huyện Châu Thành có diện tích đất canh tác còn cần nước khoảng 1.500 ha và có ít nhất 1.600 ha lúa mất trắng trong toàn tỉnh.Ngoài ra còn có 4.400 ha bị thiệt hại bình quân 40%; quy ra thóc tổng cộng khoảng 10.000 tấn, thành tiền gần 20 tỷ đồng.

Đối đầu với hạn hán! ảnh 1

Mực nước hồ Dầu Tiếng thấp nhất từ trước đến nay (ảnh chụp tại đài đo mực nước).

Ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết: "Để cứu vãn tình hình này, không còn cách nào khác là tiết kiệm nước. Trước mắt, chúng tôi vận động và hỗ trợ bà con đắp chặn lại hệ thống trục tưới tiêu để thường xuyên giữ độ ẩm của đất.Song song đó, chúng tôi đã kêu gọi bà con đào giếng khoan để tận dụng nguồn nước ngầm khá phong phú trong tỉnh.Ngoài ra, đối với vườn cây ăn trái, chúng tôi còn hướng dẫn bà con cách vun gốc để giữ ẩm và công nghệ tưới “hiện đại, tiết kiệm nước”.

Ngay thời điểm này, một số nhà vườn ở Tây Ninh đã vận dụng công nghệ mới trong tưới phun mưa, nhỏ giọt như nêu trên. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cần đến 50 triệu đồng/ha. Một số tiền không phải chủ vườn nào và nhất là nông dân dễ dàng đầu tư.

  • Đóng cửa hồ vì nguồn lợi tương lai!

Hàng năm vào mùa khô, nước hồ Dầu Tiếng tưới đủ cho khoảng 48.000 ha đồng ruộng của tỉnh Tây Ninh. Năm nay, mùa mưa quá ngắn, nước trong hồ tích không đủ và mực nước đang xuống thấp. Tuy nhiên, nước xuống thấp chứ đâu phải đã hết, trong khi đó còn hơn 6.000 ha đang khát nước mà hồ Dầu Tiếng thì lại “đóng cửa”?

Tại trụ sở Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng, Giám đốc Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Năm nay mưa trong lưu vực chỉ có 1.370mm, đạt 75% mưa trung bình. Mực nước hồ đang ở mức 21,2m, tức là thấp hơn mực nước thiết kế đến 3,2m. Với lượng mưa như vậy, diện tích hồ chỉ đạt 970 triệu m3, nghĩa là thiếu 610 triệu m3. Từ cuối tháng 10, chúng tôi đã phải “đóng nước”.

Kể từ ngày chặn dòng sông Sài Gòn (năm 1985) để tích nước hồ Dầu Tiếng, đây là thời điểm hồ có mực nước thấp nhất. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông-xuân năm nay, hồ Dầu Tiếng đã đóng các cửa xả. Theo thông báo số 29 CT/UB của Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng, kênh Đông và kênh Tây sẽ mở nước phục vụ nông nghiệp từ ngày 1-12-2004 đến ngày 30-3-2005.

Một số tuyến kênh trên địa hình cao không phục vụ tưới được, địa phương đang khuyến cáo cho nhân dân khai thác nguồn nước ngầm và chuyển đổi trồng các loại cây sử dụng ít nước, như: đậu phộng, mía, thuốc lá… Theo ông Phạm Văn Yên, các giải pháp thích hợp cũng như số tiền hỗ trợ cho nông dân sẽ được lãnh đạo tỉnh họp bàn với các cơ quan chức năng vào cuối tuần này. Hy vọng giải pháp thích hợp, hiệu quả sẽ có trong thời gian ngắn nhất giúp nông dân sản xuất ổn định ngay trong thời tiết phức tạp nhất. 

ĐOÀN HIỆP

Đắc Lắc: Hạn hán gây thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng

Toàn bộ thiệt hại về các loại cây trồng ngắn ngày của Đắc Lắc do hạn hán đến thời điểm này đã lên tới 450 tỷ đồng. Tính đến nay, trên toàn tỉnh Đắc Lắc đã có tới 63.661ha các loại cây trồng vụ thu-đông như lúa, ngô, đậu đỗ các loại và bông vải - chiếm 83% diện tích gieo trồng được của cả vụ - bị khô hạn nặng. Có 45.506ha hoàn toàn bị mất trắng. Cây ngô bị thiệt hại lớn nhất, với 39.231ha (chiếm 91% diện tích gieo trong được) bị khô hạn, trong đó 27.757ha đã bị mất trắng.

Trong gần 2 tháng rưỡi qua, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc không hề có mưa, mặc dù cùng thời gian này các năm trước là mùa mưa lũ.

Mực nước của các sông suối, hồ đập và giếng khơi vốn đã ở mức thấp do mưa ít và mùa mưa kết thúc quá sớm đang tụt nhanh qua từng ngày khô hanh. 18 hồ chứa nước lớn trong toàn tỉnh nay lượng nước chỉ còn 65% so với dung tích thiết kế, 500 hồ chứa nước vừa và nhỏ chỉ còn khoảng 50% lượng nước. 

T.T.

Tin cùng chuyên mục