Những ngày đầu của tháng 11 này, không biết từ nguồn tin nào, khán giả thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã rỉ tai nhau “vở này nghe bảo xem hay lắm…”. Mới 19 giờ, trước giờ đơn vị Sân khấu cải lương Sen Việt (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) biểu diễn vở cải lương Cơn hồng thủy tới 30 phút mà phía trong hội trường Trung tâm Sự kiện và tổ chức hội nghị tỉnh Đồng Nai đã không còn một chỗ trống…
Lấy bối cảnh câu chuyện về trận đại hồng thủy từ Kinh thánh, NSƯT Nguyễn Văn Phúc đã viết nên những thông điệp nóng bỏng về cuộc sống hôm nay… Cùng với ngôn ngữ chuyển thể của Võ Tử Uyên, thạc sĩ Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, đã chứng tỏ là một trong những thầy “phù thủy” có phép biến hóa sinh động và đáng ghi nhớ nhất hội diễn này.
Từ năm 2005 tới nay, với 3 kỳ hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, đạo diễn Lê Nguyên Đạt và Khoa Kịch hát dân tộc của trường đều có tiết mục tham gia theo cung bậc ngày càng hoàn thiện. Nếu Tìm lại tình yêu (tác giả Chu Thơm – Tô Thiên Kiều) chỉ là vở diễn thoảng qua của hội diễn 2005, thì sau đó chiếc huy chương bạc tập thể của vở Bến nước Ngũ Bồ (tác giả Hoàng Công Khanh – Võ Tử Uyên) đã tạo được dấu ấn riêng cho đạo diễn Lê Nguyên Đạt.
Cũng qua hội diễn lần này, vai trò đào tạo của Khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM càng trở nên quan trọng. Những diễn viên có trình độ biểu diễn khá cơ bản và quen thuộc như Lê Tứ, Hà Như, Điền Trung, Thy Phương, Lê Hồng Thắm… chính là những người trưởng thành từ đây.
Dù vở Nỗi đau sợi tơ đồng (Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang) còn cần nâng cao thêm, nhưng qua biểu diễn của Đào Vũ Thanh (vai Chấn Phong) và Nhơn Hậu (vai Lệ Hằng) cũng thấy rõ 2 diễn viên này được đào tạo bài bản. Khá xuất sắc trong ca diễn ở vở Tiếng chim rừng (Hội Sân khấu TPHCM) là diễn viên trẻ Thanh Nhường (vai Ngà) và Hoàng Hải (vai Thượng)…
Về tổng thể, vở Cơn hồng thủy của sân khấu Sen Việt vẫn là một trong những tiết mục trí tuệ và đỉnh cao trước những thông điệp của cuộc sống; nhất là trong bối cảnh đời sống sinh viên và thị dân đang khá xa lạ đối với nghệ thuật dân tộc và chúng ta đang thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thiết nghĩ những vở diễn loại này cần lan tỏa sâu rộng trong đời sống giới trẻ và vào các trường học. Nghệ thuật sân khấu vốn dĩ phải biết phát huy cao độ tính tập thể đồng sáng tạo, thế hệ sau có nhiệm vụ hoàn thiện giá trị sáng tạo của những người đi trước. Thiển nghĩ đó là con đường khoa học nhất để chúng ta tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao…
Trữ Quân - Vương Tử Quỳnh