UEFA mới đây công bố danh sách 11 cầu thủ nằm trong đội hình EURO hay nhất mọi thời đại, và không có gì bất ngờ khi tất cả đều xứng đáng được vinh danh.
Trong lịch sử tồn tại 56 năm của EURO, có rất nhiều thủ môn xuất sắc. Từ Lev Yashin, Rinat Dasayev cho đến Peter Schmeichel và gần đây nhất là Edwin van der Sar, Gianluigi Buffon hay Iker Casillas… tên tuổi những người gác đền trên luôn gắn với thành công nhất định của đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, danh sách bầu chọn chỉ có Buffon được lọt vào đội hình tiêu biểu. Đấy được xem phần thưởng xứng đáng cho gần 20 năm cống hiến trong màu áo Azzurri.
Vị trí trung vệ, Franz Beckenbauer cùng với Carles Puyol trở thành lá chắn thép trước khung thành. Với hai lần được bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu, bên cạnh đó cùng CHLB Đức chức vô địch EURO lần đầu tiên năm 1972, vị trí của “Hoàng đế” hầu như không thể thay thế. Dù không đoạt chức vô địch EURO trong sự nghiệp, nhưng với những gì làm được cho đội tuyển áo màu thiên thanh, đủ giúp Paolo Maldini đứng trong đội hình cùng với Philipp Lahm (Đức).
Ở hàng tiền vệ 3 người, Andres Iniesta – Andrea Pirlo – Zinedine Zidane là những gương mặt được chọn. Điều này dễ hiểu khi Iniesta được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất EURO 2012, chưa kể thi đấu tốt ở năm 2008, Zidane đưa tuyển Pháp vô địch EURO 2000. Riêng Pirlo không đoạt được danh hiệu nào cũng tuyển Italia, nhưng với vai trò nhạc trưởng trong 2 kỳ gần đấy nhất, rất khó để có cái tên khác đánh bật cựu tiền vệ Juventus khỏi vị trí này.
Đình đám trong sơ đồ này nằm ở hàng tiền đạo, lịch sử EURO không thiếu tiền đạo giỏi trong từng giai đoạn. Nhưng dường như ngoài những tiêu chí quy định ra, thiên hướng bầu chọn có thêm thành phần tốc độ. Thời đỉnh cao, Thierry Henry ngoài kỹ năng dứt điểm siêu hạng còn được mệnh danh “đứa con thần gió” với những cú bứt tốc phi phàm. Cristiano Ronaldo không thua kém gì đàn anh, tốc độ, dứt điểm, sút xa, đánh đầu, kỹ thuật…ngôi sao của Real Madrid làm tốt tất. Thực tế dù chưa bao giờ đưa tuyển Bồ Đào Nha đến chức vô địch, nhưng thành tích lọt vào bán kết EURO 2012 phần nào nói lên giá trị của CR7, chưa kể số lượng bàn thắng đáng kể ghi được cho Selecao châu Âu.
Vai trò trung phong trong hệ thống chiến thuật 4-3-3 thuộc về Marco van Basten, vốn dĩ điều này cũng không có gì bất ngờ. Với việc góp công lớn đưa tuyển Hà Lan vô địch EURO 1988 cùng danh hiệu vua phá lưới với 5 bàn thắng. Bên cạnh đó là chế tác biểu tượng được xem như riêng của Basten hay EURO bằng cú vô lê hạ gục Dasayev của Liên Xô ở chung kết, rất khó để huyền thoại AC Milan bị loại ra khỏi đội hình.
11 cái tên danh giá nhất đã được lựa chọn dựa vào 4 tiêu chí: Từng góp mặt trong ít nhất một trận bán kết EURO; Có tên trong đội hình tiêu biểu tại ít nhất một kỳ EURO; Vua phá lưới tại một kỳ EURO; Tạo ra một hình ảnh mang tính biểu tượng trong lịch sử EURO, chẳng hạn như cú đá penalty kiểu “panenka” năm 1976, cú vô lê góc hẹp của Van Basten năm 1988 hoặc pha làm bàn của Davor Suker hồi năm 1996… |
LIÊM MINH
Những con số
Anh trẻ nhất, CH Ailen già nhất ở EURO 2016
29,39 tuổi: Cộng hòa Ireland; 28,70: Cộng hòa Séc; 28,57: Italia; 28,57: Nga; 28,43: Slovakia; 28,35: Romania; 28,00: Bắc Ireland; 27,87: Bồ Đào Nha; 27,61: Tây Ban Nha; 27,53: Hungary; 27,43: Ukraine; 27,30: Pháp; 27,26: Thụy Điển; 27,17: Ba Lan; 27,13: Áo; 27,13: Iceland; 27,09: Albania; 26,83: xứ Wales; 26,39: Thổ Nhĩ Kỳ; 26,30: Croatia; 25,91: Bỉ; 25,57: Thụy Sĩ; 25,43: Đức; 25,39: Anh.
Tuổi trung bình của những nhà vô địch
° 1960: Liên Xô (đội hình gồm 17 cầu thủ): 26,53 tuổi
° 1964: Tây Ban Nha (20 cầu thủ): 25,70
° 1968: Italia (22 cầu thủ): 25,77
° 1972: Tây Đức (18 cầu thủ): 25,11
° 1976: Tiệp Khắc (22 cầu thủ): 26,77
° 1980: Tây Đức (22 cầu thủ): 24,55
° 1984: Pháp (20 cầu thủ): 26,50
° 1988: Hà Lan (20 cầu thủ): 26,15
° 1992: Đan Mạch (20 cầu thủ): 26,90
° 1996: Đức (23 cầu thủ): 27,91
° 2000: Pháp (22 cầu thủ): 27,95
° 2004: Hy Lạp (23 cầu thủ): 28,35
° 2008: Tây Ban Nha (23 cầu thủ): 26,00
° 2012: Tây Ban Nha (23 cầu thủ): 26,74.
Thành tích của chủ nhà
° 1960: Pháp (hạng tư)
° 1964: Tây Ban Nha (vô địch)
° 1968: Italia (vô địch)
° 1972: Bỉ (hạng 3)
° 1976: Nam Tư (hạng tư)
° 1980: Bỉ (á quân)
° 1984: Pháp (vô địch)
° 1988: Tây Đức (bán kết)
° 1992: Thụy Điển (bán kết)
° 1996: Anh (bán kết)
° 2000: Bỉ (vòng bảng), Hà Lan (bán kết)
° 2004: Bồ Đào Nha (á quân)
° 2008: Áo và Thụy Sĩ (cùng dừng bước ở vòng bảng)
° 2012: Ba Lan và Ukraine (cùng dừng bước ở vòng bảng)
° 2016: Pháp (?).
TRUNG TÍN