Khi những cánh rừng ở đâu đó đã bị lâm tặc “xẻ thịt” không thương tiếc thì ở xã Trà Giang (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) có một khu rừng với diện tích khá lớn hầu như vẫn còn nguyên vẹn từ bao đời nay. Công đầu giúp khu rừng tồn tại là nhờ đội bảo vệ của thôn 2, những người được dân bản ở đây hay ví von gọi là đội “kiểm lâm thôn”.
Tay không… đi tuần
Thôn 2 nằm cách xa trung tâm xã Trà Giang 7km, lọt thỏm giữ bốn bề rừng núi, gần như cô lập với bên ngoài. Để vào được thôn, chỉ có con đường duy nhất nhưng phải đi bộ hơn 3 giờ mới tới.
Đội bảo vệ của thôn 2 (xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) trong đợt tuần tra, bảo vệ rừng
Hôm chúng tôi đến, cả thôn đang tập họp thanh niên trai tráng để chuẩn bị tuần tra rừng. Đội bảo vệ có 14 người, già trẻ đều có. Người lớn nhất năm nay đã gần 60, trẻ nhất mới 18 tuổi. Sau khi có mặt đầy đủ và nghe anh Hồ Văn Thắng, Đội trưởng đội tuần tra phổ biến kế hoạch xong, cả đội tất bật đi lấy dụng cụ để lên… rừng. Mặc dù mọi người đã tay rựa, tay dao để lên đường, nhưng anh Vinh và anh Tiên vẫn cứ rít lấy rít để điếu thuốc. Thấy tôi ngạc nhiên, hai anh cười rồi giãi bày: “Vì điều lệ lúc đi tuần cấm hút thuốc, không được đem theo vật dễ gây cháy nổ, nên anh em “tranh thủ” làm vài hơi cho đỡ ghiền”.
Người dân trong thôn hay ví von họ như “kiểm lâm”, đó là sự minh họa cho hành động đẹp mà những chàng trai ở đây đã làm. Còn thực chất họ cũng chỉ là dân nghèo sống tựa lưng vào dãy núi. Ngày thường, họ cặm cụi, chăm lo làm ăn nhưng mỗi khi nhận được lệnh tuần tra là mọi công việc của gia đình đều xếp lại. Không có đồng phục, vai đeo súng oai vệ như kiểm lâm thứ thiệt nhưng với chiếc áo rách hay đã sờn vai, họ nhận thấy được những lợi ích to lớn từ rừng đem lại nên đã xung phong bảo vệ và chăm sóc rừng.
Anh Hồ Văn Linh 23 tuổi nhưng đã có 4 năm “công tác” trong đội bảo vệ, bộc bạch: “Thấy rừng che chở cho thôn, cho dân làng nên mình cũng muốn làm cái gì đó để trả ơn rừng. Anh em trong thôn ai cũng ra sức bảo vệ rừng thì mình cũng phải vậy thôi. Đi như ri mới thấy được sự trù phú của cả khu rừng, thấy mình sống có ích hơn”.
Cơn mưa bất chợt ùa về, những tán rừng như chiếc dù rộng lớn che chở cho chúng tôi. Mưa vẫn cứ rơi và càng lúc càng nặng hạt. Những con vắt, muỗi rừng... thi nhau bấu víu; những dốc núi dựng thẳng đứng, dây leo chằng chịt, gai rừng tua tủa chỉ chực sẵn để cào xé da thịt của anh em đội “kiểm lâm thôn” nhưng đôi chân của các anh vẫn cứ bước đều trên con đường mòn in hằn trên lối đi.
Theo chân các anh, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những cây cổ thụ to lớn đến 2 - 3 người ôm mới xuể. Đoán được tôi đang nhẩm đếm xem có bao nhiêu gốc cổ thụ, Đội trưởng Thắng liền khoe: “Nhà báo đếm không hết mô, nhiều vô kể; đếm những gốc cây cổ thụ ở rừng này chẳng khác gì đếm sao trên trời đó”. Anh Thắng vừa dứt lời, cả nhóm rộ lên cười. Tiếng cười bay xa rồi dội ngược trở lại, nghe cứ ngỡ như rừng đang cười.
Rừng yên, làng vui
Toàn bộ thôn 2 có 56 hộ dân nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Tuy cuộc sống của người dân ở đây còn khó khăn nhưng ở trong bản ai cũng có ý thức tham gia chăm sóc rừng. Nội quy về bảo vệ rừng, hình phạt khi có ai chặt phá rừng luôn được Trưởng thôn Hồ Văn Đến lồng ghép vào trong mỗi cuộc họp hay sinh hoạt của bản. Những giá trị, lợi ích to lớn của rừng đã ăn sâu vào tâm thức của bà con dân bản nên từ bao đời nay không ai bị phạt do chặt phá rừng.
Năm 2008, thôn 2 được giao 326ha rừng tự nhiên để cộng đồng cư dân bảo vệ và hưởng lợi. Ngay từ khi nhận rừng, 56 hộ dân đều tự nguyện tham gia. Bản cũng xây dựng bộ quy ước bảo vệ rừng, thành lập đội tuần tra mỗi tháng đi tuần hai lần, đồng thời thường xuyên phổ biến, vận động người dân cùng chung sức bảo vệ; trong đó bộ quy ước luôn chú ý đến vai trò của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng.
Nguồn lợi từ rừng mang lại cho bà con dân bản rất lớn. Bởi ngoài việc bảo vệ môi trường, thì trong rừng luôn có những vị thuốc quý chữa được bệnh cho con người.
Anh Hồ Văn Trường, Phó Bí thư xã Trà Giang, tâm sự: “Đồng bào dân tộc Cor ở đây chăm sóc rừng rất tốt. Từ lúc nhận rừng đến nay, chưa có cây nào bị đốn hạ. Dù tất bật với bao việc mưu sinh nhưng nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng luôn được bà con thực hiện rất nghiêm túc và thường xuyên. Có thể khẳng định, rừng ở đây vẫn còn nguyên vẹn và trù phú nhất ở miền Trung” .
Nguyễn Đắc Thành
Trong nội quy bảo vệ rừng của bản có đoạn nêu: “Nếu ai chặt một cây trong rừng sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đến 500.000 đồng, tùy loại cây và số lượng. Nếu muốn xin vài cây để dựng nhà phải làm đơn thông qua thôn bản và chính quyền xã. Còn ngoài ra không được phép chặt cây, cho dù chỉ là một nhánh củi nhỏ. Ai cũng phải ra sức bảo vệ rừng”.