Kết thúc 3 phiên giao dịch đầu tuần, VN Index tăng 7,97 điểm, lên mức 434,48 điểm. Trong khi đó HNX Index lại giảm nhẹ 0,08 điểm, xuống mức 99,02 điểm.
Một phiên giảm nhẹ và 2 phiên tăng của VN Index đã tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực, ngưỡng 420 điểm - chốt chặn cuối cùng của niềm tin đã không bị phá vỡ. HNX Index có phần lạc nhịp với VN Index khi vẫn chưa thể ngoi lên khỏi ngưỡng 100 điểm. Điều này dễ hiểu khi dòng tiền tham gia thị trường vẫn đang khá yếu và những nỗ lực cứu vãn có phần ưu tiên cho VN Index nhiều hơn. Ngày hôm qua, CPI tháng 11 của cả nước đã chính thức được công bố với mức 1,86%. Thị trường trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với ít nhất 3 áp lực sau:
Áp lực tâm lý: Việc CPI tăng mạnh trong tháng 11 đã khiến cho lo ngại về khả năng lạm phát cả năm 2010 ở mức 2 con số của nước ta đang dần trở thành hiện thực. Có một số ý kiến cho rằng thị trường đã nhìn ra vấn đề này từ đầu tuần thông qua CPI của Hà Nội và TPHCM nhưng vẫn tăng điểm, chứng tỏ những lo ngại đã được phản ánh vào diễn biến của thị trường trong thời gian qua. Nhưng nếu lý giải theo cách khác, những phiên phục hồi vừa qua không phát xuất từ thông tin CPI mà bắt nguồn từ nội tại của thị trường, có nghĩa sau một thời gian dài giảm giá, các CP khi chạm các ngưỡng hỗ trợ hấp dẫn sẽ được mua vào mạnh. Lo ngại về CPI vẫn đang hiện diện trong suy nghĩ của nhiều NĐT cá nhân và cho dù đã hết thì không dễ gì NĐT có thể chuyển từ phòng thủ sang mua vào ngay lập tức.
Áp lực thông tin: Sau CPI, thị trường nhiều khả năng sẽ không phải đón nhận thêm những thông tin mang tính chất bước ngoặt nữa và có thể rơi vào trạng thái “hụt thông tin” cho đến khi kết thúc tháng 11. Một số DN dự kiến KQKD của cả năm 2010 và những DN nào về đích sớm sẽ “nhanh nhẩu” công bố, nhưng số này không nhiều nên chỉ có tác động cục bộ. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến hiện tượng tin đồn bất lợi đang bắt đầu xuất hiện trở lại gây hoang mang cho NĐT.
Áp lực dòng tiền: Trong khoảng 4-5 phiên vừa qua, GTGD trên cả hai sàn chỉ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng - một con số khá thấp. Điểm tích cực là tính ổn định về thanh khoản, mặc dù thấp nhưng phần nào được duy trì trong thời gian qua, giảm bớt lo ngại cho NĐT về khả năng dòng tiền sẽ một lần nữa sụt giảm. Theo dõi một số phiên giao dịch, có thể nhận ra hiện tượng khá uể oải vào đầu phiên nhưng lại trở nên sôi động hơn vào cuối phiên. Cũng cần nói thêm, nếu tình trạng thanh khoản thấp này được duy trì, khả năng điểm số của thị trường có thể bật lên dễ dàng hơn. Điều này có thể thấy rõ qua 2 phiên tăng điểm gần nhất, lực mua mặc dù tăng nhưng nguyên nhân chính là do lực bán không tăng.
Rất khó có khả năng VN Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên hôm nay, nếu có xảy ra cũng chỉ từ 1-2 điểm hơn là hướng đến mốc 440 điểm. Kịch bản dễ xảy ra nhất là một phiên điều chỉnh nhẹ với thanh khoản tương đương những phiên trước đó. Nếu VN Index trong phiên ngày mai tăng trở lại, hoặc nếu có điều chỉnh vẫn trụ trên ngưỡng 430 điểm, có thể kỳ vọng về một mức đáy mới sẽ tạo thành trong ngắn hạn trước khi chờ đợi thông tin mới. Trường hợp thanh khoản tăng lên trong những phiên sắp tới, cũng nên có sự cẩn trọng cao độ, vì điều này đồng nghĩa với lực bán tăng lên. Cần có thêm thời gian để quan sát lực cầu của thị trường có khả năng hấp thụ hết lượng cung hàng hay không. Điều này đã được thể hiện thông qua việc STB bị NĐTNN bán ròng. Mặc dù việc này chỉ là động tác bình thường trong giao dịch, có mua phải có bán. Nhưng xu hướng thị trường tăng điểm, khối ngoại bán ra và ngược lại cần được theo dõi kỹ để có chiến thuật chuẩn xác nhất.
ĐẠI NGÀN