Đổi mới bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học: Bài toán nan giải

Bắt đầu triển khai từ năm học 2011 - 2012, đến nay dự án “Bữa ăn học đường” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tổ chức, trong đó chú trọng mục tiêu xây dựng bộ thực đơn chuẩn, phù hợp tầm vóc và nhu cầu dinh dưỡng của học sinh tiểu học đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận cũng còn không ít nỗi lo…
Đổi mới bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học: Bài toán nan giải

Bắt đầu triển khai từ năm học 2011 - 2012, đến nay dự án “Bữa ăn học đường” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tổ chức, trong đó chú trọng mục tiêu xây dựng bộ thực đơn chuẩn, phù hợp tầm vóc và nhu cầu dinh dưỡng của học sinh tiểu học đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận cũng còn không ít nỗi lo…

        Thiếu bảo mẫu kinh nghiệm

Vừa qua, báo cáo tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện bộ thực đơn chuẩn do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã triển khai đại trà bộ thực đơn chuẩn cho tất cả trường tiểu học. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng áp dụng 100% bộ thực đơn. Có nơi chỉ áp dụng một phần, có nơi làm cho có, khi đoàn xuống kiểm tra phát hiện bữa ăn của học sinh còn hết sức đơn điệu”.

Theo bà Nguyễn Lê Thu, Phó phòng GD-ĐT quận 11, một trong những nguyên nhân khiến các trường gặp khó trong công tác thực hiện là do nếu áp dụng theo bộ thực đơn chuẩn bao gồm 5 món (mặn, canh, xào, tráng miệng và bữa ăn xế) sẽ tăng thêm thời gian chế biến cho đội ngũ cấp dưỡng, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn đối với nhân viên bảo mẫu, trong khi tiền lương không thể tăng.

Làm rõ hơn điều này, bà Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11), cho biết: “Hầu hết bảo mẫu ở trường tôi đều có trình độ trung cấp. Khi áp dụng bộ thực đơn chuẩn đòi hỏi các cô phải đứng trước lớp thuyết trình cho học sinh nghe về lợi ích của các món ăn. Yêu cầu đó không phải cô nào cũng có đủ bản lĩnh và kiến thức chuyên môn làm được”.

Một bữa ăn được thiết kế theo bộ thực đơn chuẩn của dự án Bữa ăn học đường tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11).

Một bữa ăn được thiết kế theo bộ thực đơn chuẩn của dự án Bữa ăn học đường tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11).

Trao đổi với chúng tôi, cô Huỳnh Thị Thanh Tú, nhân viên bảo mẫu lớp 1/2, Trường Tiểu học Trưng Trắc, thú nhận: “Nhiều kiến thức dinh dưỡng đòi hỏi chúng tôi phải có thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm cho con ăn ở nhà, cộng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia ở Trung tâm Dinh dưỡng mới có thể hoàn thành tốt phần giới thiệu cho học sinh”.

Nhân viên khác bày tỏ: “Thời gian giới thiệu tuy không nhiều, chỉ từ 5 - 10 phút nhưng áp lực với chúng tôi ghê lắm. Có cô làm rất tốt, song cũng có cô còn lúng túng, nói qua loa chiếu lệ”. Do đó, theo kiến nghị của nhiều quận, huyện, một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới là mở thêm các lớp phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho những người làm công tác bảo mẫu.

Ngoài ra, ở từng đơn vị, các trường cần tổ chức các buổi thuyết trình mẫu cho đội ngũ bảo mẫu học tập theo. Hiện nay ở nhiều nơi, cụm từ “giáo án mẫu” đã được nhiều cô nhắc đến.

        Tiền đâu?

Ngoài vấn đề về bảo mẫu, một đại diện Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh kiến nghị, trong khi mức thu bán trú ở các trường nội thành dao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/học sinh/ngày thì ở các huyện ngoại thành, mức thu 19.000 - 22.000 đồng/học sinh/ngày còn bị nhiều phụ huynh kêu khó. “Thực tế đi kiểm tra chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp học sinh không đăng ký ăn bán trú tại trường. Thay vào đó, cứ đến giờ trưa, các em lại kéo nhau ra quán cơm bình dân bên cạnh trường, giá chỉ từ 14.000 - 16.000 đồng/phần ăn, dù chất lượng không đảm bảo”, vị này bày tỏ.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Lê Thu, Phó phòng GD-ĐT quận 11, nếu như đối với các trường có tổ chức bếp ăn bán trú còn dễ thực hiện thì đối với các trường có hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài, địa phương phải làm công tác tư tưởng, vận động nhiều lần họ mới thay đổi trong cách chế biến. Riêng đối với các trường tư thục có yếu tố nước ngoài, việc kêu gọi chỉ trên tinh thần khuyến khích, chưa thể trong một sớm một chiều yêu cầu họ thay đổi.

Về phía học sinh - đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ bộ thực đơn, bà Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, cho biết: “Thói quen ăn của người Việt Nam thường ít rau, nhiều thịt. Do đó, để khuyến khích các em ăn rau, nhà trường phải chủ động bổ sung thêm tôm, mực vào các món xào để tăng thêm màu sắc, kích thích khẩu vị học sinh. Chưa kể nhiều em không biết dùng đũa, bảo mẫu phải kiêm luôn nhiệm vụ chỉ dẫn học sinh ăn bằng đũa để các em có thể gắp được các món rau”.

Đối với phụ huynh, thời gian đầu cũng có không ít ý kiến phản đối, cho rằng học sinh ăn kém ngon khi khẩu vị thay đổi. Có người còn viết đơn khiếu nại lên tận Trung tâm Dinh dưỡng yêu cầu quay lại cách nấu ăn truyền thống. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Trần Thị Kim Thanh, tuy còn gặp không ít khó khăn, nhưng bộ thực đơn chuẩn đã bước đầu thay đổi thói quen về mặt nhận thức dinh dưỡng trong một bộ phận phụ huynh, học sinh.

“Cái gì tốt cho học sinh chúng ta vẫn phải làm. Sau bộ thực đơn chuẩn dành cho học sinh tiểu học, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng thực đơn chuẩn cho cấp học mầm non”, bà Thanh cho biết.

Theo số liệu thống kê từ Sở GD-ĐT TPHCM, TPHCM hiện có 474 trường tiểu học, trong đó có 358 trường tổ chức ăn bán trú với hơn 213.000 học sinh. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của các trường hiện nay là phục vụ công tác giáo dục, vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú ở nhiều nơi trở thành gánh nặng cho đơn vị do thiếu chuyên môn và nghiệp vụ về dinh dưỡng. Hầu hết bữa ăn ở trường hiện nay chưa chú trọng các món rau, thường bao gồm 3 món cơm, canh và một món mặn.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục