Đổi mới công nghệ, doanh nghiệp gặp khó

(SGGP).- Hiệp hội Cao su - Nhựa TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM về việc có cơ chế hỗ trợ thuê đất trả chậm với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp khi di dời. Đối với các doanh nghiệp không gây ô nhiễm nên cho tồn tại, sửa chữa nâng cấp nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương. Về phía các cơ quan chức năng liên quan cần cần hướng dẫn làm dự án, giúp các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ.

Hiện phần lớn máy móc, nguyên vật liệu của ngành cao su - nhựa đều nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo. Khoảng cách về trình độ công nghệ tiên tiến giữa Việt Nam và các nước trên thế giới rất lớn, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn rất thấp. Các doanh nghiệp muốn thay thế máy móc, nguyên vật liệu từ các nước khác với chất lượng cao hơn nhưng lại gặp trở ngại như giá thành cao, trong khi nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp eo hẹp. Thực tế này khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhựa bị hạn chế đáng kể. Mặt khác, sự phân tán, manh mún trong sản xuất chưa tạo ra chuỗi cung ứng (cluster) đã hạn chế về kỹ thuật, năng suất, giá thành nên sức cạnh tranh chưa cao. Thêm vào đó chưa có nguồn nguyên liệu nội địa (trừ cao su thiên nhiên) nên giá thành cao, doanh nghiệp hội viên dễ tổn thương khi tỷ giá, nguồn cung biến động.

Nhìn chung, đến nay ngành nhựa trong nước đã sản xuất được tất cả các chủng loại sản phẩm tiêu dùng và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nội địa. Đặc biệt, trong năm 2014, nhờ giá nguyên liệu thấp nên hầu hết doanh nghiệp trong ngành sản xuất đều có lãi, nhưng doanh thu chỉ tăng nhẹ 2% - 5%, tùy doanh nghiệp. Do vậy, để tăng hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp trong thời gian tới, phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường cần có một trung tâm kỹ thuật hỗ trợ cho ngành. Đồng thời, xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ chặt chẽ để bảo vệ hàng trong nước.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục