Hiện có đến 95% doanh nghiệp (DN) Việt Nam là DN nhỏ hoặc siêu nhỏ; khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, tự chủ công nghệ và mở rộng sản xuất không nhiều. Điều này đã dẫn đến chất lượng sản phẩm và năng suất thấp, giá thành sản xuất sản phẩm cao, kém hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh thấp. Đây chính là bài toán cần phải giải quyết cấp bách của chính quyền TPHCM khi định hướng phát triển trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, có tính đột phá của cả nước.
Chưa đi vào chiều sâu
Kết quả đánh giá trình độ công nghệ trong những năm gần đây đối với các DN trong các khu công nghiệp, DN nhà nước trên địa bàn thành phố cho thấy 60% - 70% đạt mức trình độ công nghệ trung bình. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á; với trình độ công nghệ xếp hạng 92/140, thuộc mức thấp so với thế giới. Trong 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam có trình độ công nghệ ở mức thấp nhất, lạc hậu 2 - 3 thế hệ công nghệ so với các nước. Khi năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh tế kém, DN nhỏ và vừa sẽ khó tích tụ được nguồn vốn đủ lớn để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm. Có thể thấy một số DN chỉ đổi mới công nghệ theo kiểu thụ động, mang tính tình huống. Họ chủ yếu mua thiết bị, cải tiến máy móc phần cứng theo nhu cầu khách quan phát sinh trong quá trình sản xuất, chứ chưa có lộ trình đổi mới công nghệ dài hạn gắn với lộ trình phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao.
Trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM đã đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH-CN) đạt bình quân trên 2,06% chi ngân sách hàng năm. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm đổi mới cách làm, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ… Qua đó, tốc độ tăng trưởng của các hoạt động chuyên môn và KH-CN đạt bình quân 16,9%, dẫn đầu trong 9 nhóm ngành dịch vụ của thành phố và tăng gấp 3,3 lần so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ này vẫn chưa cho thấy hiệu quả như mong muốn. Trước hết công tác tuyên truyền và quảng bá về hoạt động KH-CN nói chung và các chương trình hỗ trợ nói riêng chưa đi vào chiều sâu; doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả lâu dài của các hoạt động hỗ trợ. Thị trường công nghệ mặc dù đã hình thành nhưng còn sơ khai, chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ giữa các doanh nghiệp; sự tác động, hỗ trợ từ phía nhà nước chưa tạo sự đột phá. Sàn giao dịch công nghệ được TP thử nghiệm nhiều năm qua nhưng tính lan truyền chưa rõ…
Nhiều công nghệ mới ra đời nhưng ứng dụng không phải là chuyện doanh nghiệp làm được ngay. Ảnh: T.BA
Đầu tư có trọng điểm
Để thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 (cụ thể là GDP tăng trưởng 8% - 8,5%, chỉ số TFP trên 35%), TP phải theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, tăng trưởng dựa chủ yếu vào tri thức và công nghệ với 3 trụ cột chính là cơ cấu vốn, chất lượng lao động và tiến bộ kỹ thuật.
Các hỗ trợ cần được cụ thể và theo sát nhu cầu DN. Nhà nước hỗ trợ kịp thời nhu cầu đặt hàng với các tiêu chí mới theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến/công nghệ cao phục vụ sản xuất kinh doanh; tăng mức hỗ trợ trên 30% đối với các dự án sản xuất thử nghiệm có sản phẩm công nghệ cao, độ chính xác cao và những dự án dài hạn; vì hiện tại cơ sở vật chất và nhân lực đối với các lĩnh vực này còn yếu và thiếu. Các DN nhà nước phải tiên phong và gương mẫu trong việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ. Nếu DN không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết có thể đóng góp phần đó cho quỹ của thành phố. Sau đó, khi DN cần thì được quỹ của bộ ngành hoặc của tỉnh/thành phố tài trợ lại đúng bằng số tiền đã đóng góp và phần còn thiếu thì được vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án mua công nghệ, thiết bị trong nước hoặc công nghệ, thiết bị tiên tiến nước ngoài.
Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của một số tổ chức KH-CN trọng yếu của thành phố, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố làm cơ sở thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, ươm tạo sản phẩm và DN KH-CN. Quan trọng không kém, thành phố cần tiến tới thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, cùng với xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Bởi, thực tế chứng minh, việc thúc đẩy hợp tác, chuyển giao, đổi mới công nghệ tại DN là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải phối hợp giải quyết đồng thời nhiều yếu tố có liên quan như: cơ chế chính sách phù hợp, môi trường thực thi pháp luật minh bạch, lộ trình đầu tư phát triển sản phẩm mới, nhu cầu của thị trường, giải pháp công nghệ tối ưu, nguồn vốn đầu tư; đồng thời không thể thiếu vai trò quan trọng của hệ thống các tổ chức, nguồn lực và con người cùng phối hợp một cách có hiệu quả.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng hiện là Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, phụ trách các hoạt động KH-CN; đồng thời là Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM. Ông Nguyễn Kỳ Phùng được phong hàm Giáo sư, chuyên ngành môi trường, cùng với 52 Giáo sư và 470 Phó giáo sư trong đợt năm 2015. Dự kiến, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ tổ chức công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt này vào sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). |
GS-TS NGUYỄN KỲ PHÙNG
Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM
(TƯỜNG HÂN ghi)